Mong muốn định vị thương hiệu thức ăn chăn nuôi Việt Nam
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN), chiều 11/8, Cục Chăn nuôi tổ chức họp với đại diện các DN và một số cơ quan liên quan để bàn về chính sách, giải pháp phát triển sản xuất TACN thời gian tới.
Quang cảnh cuộc họp. |
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, tốc độ tăng trưởng về quy mô và sản lượng TACN công nghiệp của Việt Nam vào loại nhanh nhất thế giới, liên tục đạt 2 con số trong 20 năm qua, đưa sản lượng TACN công nghiệp quy đổi từ 400.000 tấn năm 1993 lên 23,15 triệu tấn năm 2016.
Tốc độ phát triển nhanh, quy mô lớn
Việt Nam trở thành nước dẫn đầu ASEAN và thứ 10 thế giới về sản lượng TACN công nghiệp (Thái Lan đứng thứ 2 với 18,6 triệu tấn, Indonesia đứng thứ 3 với 18,3 triệu tấn).
Số lượng nhà máy và công suất thiết kế tăng cao, vượt xa kế hoạch định hướng. Đến nay, đã có trên 300 nhà máy chế biến TACN, thuỷ sản và trên 200 cơ sở chế biến thức ăn bổ sung, với công suất thiết kế đạt trên 31 triệu tấn/năm (định hướng của Chính phủ đến năm 2020 chỉ là 25 triệu tấn/năm).
Hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lĩnh vực TACN luôn được Cục Chăn nuôi, Thanh tra Bộ NN&PTNT và các cơ quan nông nghiệp, quản lý thị trường ở các địa phương triển khai rất tích cực, nhất là vấn đề kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho hay TACN là lĩnh vực có quy chuẩn chứng nhận hợp quy đầy đủ. Toàn bộ các thông tin về sản phẩm TACN được phép lưu hành tại Việt Nam đều được công khai trên website của Cục Chăn nuôi để DN, người dân và các cơ quan quản lý tìm hiểu thông tin.
Vấn đề quản lý chất lượng TACN và an toàn thực phẩm rất được chú trọng. Hằng năm, các cơ quan quản lý tiến hành việc kiểm tra về điều kiện nhà xưởng, cửa hàng kinh doanh và đánh giá xếp hạng theo các cấp độ A, B, C để xử lý các vi phạm hành chính hoặc khuyến cáo khắc phục, trong đó có cả hình thức tạm đình chỉ kinh doanh đối với các cơ sở loại C nếu sau nhiều lần xử lý mà không có biện pháp khắc phục.
Vốn đầu tư lĩnh vực TACN đều do tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư. Hiện nay, 100% vốn đầu tư cho ngành công nghiệp TACN ở Việt Nam đều của tư nhân. Các DN trong nước ngày càng phát triển, mở rộng quy mô và làm chủ được công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, ngang tầm với các DN FDI.
Công nghệ chế biến TACN không ngừng được cải tiến và hiện đại hoá. Do thị trường TACN phát triển muộn và tăng trưởng nhanh, đầu tư hiệu quả nên phần lớn các dây chuyền chế biến TACN được đầu tư đều thuộc thế hệ mới và xuất xứ từ các nước phát triển.
Chất lượng TACN tốt, bảo đảm nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn cho vật nuôi. Ngoài vấn đề chất cấm đã được khống chế, nhìn chung chất lượng TACN rất tốt, chiếm tới 85%. Còn lại khoảng dưới 15% sản lượng TACN chủ yếu là của khu vực các cơ sở nhỏ lẻ, các cơ sở tự phối trộn còn tồn tại bất cập về chất lượng.
Giá TACN của Việt Nam đang thuộc nhóm nước thấp nhất trong khu vực. Hiện nay, giá bình quân thức ăn cho gà thịt giai đoạn từ 21 ngày tuổi đến xuất chuồng là 9.300 đồng/kg; thức ăn cho lợn thịt từ 50 kg đến xuất chuồng là 8.100 đồng/kg.
Tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng sản phẩm
Hiện nay, số lượng các DN và cơ sở sản xuất, gia công và buôn bán TACN của Việt Nam đã quá nhiều, theo Cục Chăn nuôi, với tốc độ đầu tư như thời gian vừa qua thì đến năm 2020 công suất thiết kế của các nhà máy TACN công nghiệp trong nước có thể đạt 40 triệu tấn/năm. Như vậy sẽ vượt so với nhu cầu khoảng 5 triệu tấn/năm. Do đó, Cục Chăn nuôi kiến nghị các địa phương không khuyến khích mở mới các nhà máy TACN, nhất là ở những vùng hiện nay mật độ nhà máy đã cao, như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây cũng là thời cơ để Việt Nam có thể trở thành nước có ngành công nghiệp chế biến TACN phát triển cả về quy mô và chất lượng, an toàn sản phẩm. Muốn đạt được mục tiêu này, cần tăng cường công tác kiểm soát chặt các điều kiện ban đầu về nhà xưởng, trang thiết bị, quy trình sản xuất và cán bộ kỹ thuật, hạn chế đưa vào sản xuất những sản phẩm kém chất lượng, vừa giảm hiệu quả chăn nuôi, vừa gây ô nhiễm môi trường do thức ăn kém chất lượng mà vật nuôi không chuyển hoá hết, đào thải ra môi trường.
Trên thị trường đang xuất hiện một số loại nguyên liệu TACN kém chất lượng, nhất là các loại có nguồn gốc động vật (bột thịt xương…), hoá chất công nghiệp không được phép dùng trong chăn nuôi, thực phẩm và hàng hết hạn sử dụng lưu hành, yêu cầu các doanh nghiệp kiểm tra kỹ trong kinh doanh, sử dụng và kịp thời phát hiện báo cáo Cục Chăn nuôi để có biện pháp kiểm soát.
Đại diện hơn 30 DN có mặt tại cuộc họp đã có nhiều ý kiến đóng góp để phát triển ngành TACN của Việt Nam. Các DN đều mong muốn định vị được thương hiệu TACN trên thị trường quốc tế.
Muốn vậy phải có sự quản lý, tăng cường siết chặt thanh tra, kiểm tra để chất lượng TACN của Việt Nam được tốt hơn. Các DN đề nghị các cơ quan quản lý, các địa phương phải có điều kiện gắt gao về quy chuẩn, quy mô khi cấp phép cho các cơ sở sản xuất TACN. Chúng ta cũng phải quy hoạch lại vùng trồng trọt, để nước ta – một nước nông nghiệp – sẽ không phải nhập khẩu ngô.
Theo các DN, do rất khó giảm giá TACN thêm nữa nên chỉ thể thực hiện bằng cách giảm giá ở khâu trung gian mới có thể khiến giá TACN giảm tiếp.
Các DN cũng kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()