Mong một cây cầu
LSO-Không có đường đi lại, hằng ngày nhiều người dân và các cháu học sinh phải chòng chành trên chiếc bè thô sơ để qua sông. Vào mùa nước lớn, người và phương tiện không thể qua lại. Đó là thực trạng tại thôn Đồng Xe, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng. Hơn bao giờ hết, họ mong ước có cầu để qua sông.
Chiếc bè thô sơ vẫn hằng ngày chở người dân và các em học sinh qua lại |
Nguy hiểm rình rập
Đến xã Quyết Thắng vào những ngày đầu tháng 11/2016, chúng tôi theo chân anh Triệu Văn Kiểm, cán bộ văn hóa xã đến thôn Đồng Xe. Từ UBND xã đi khoảng 1 km qua thôn Kép 1, chúng tôi phải dừng xe lại bởi con đường bị dòng sông ngăn cách. Theo anh Kiểm, đây là dòng sông Thương, chảy từ Võ Nhai (Thái Nguyên) qua thôn Đồng Xe, thôn Trãng của xã Quyết Thắng, rồi chảy qua xã Yên Bình, Minh Tiến, Nhật Tiến xuống địa phận tỉnh Bắc Giang. Một chiếc bè mảng nằm dưới lòng sông, phía bên trên là sợi dây thừng nối hai bờ để kéo chiếc bè qua lại. Sau chừng 10 phút gọi, một người phụ nữ cao, gầy, làn da đen xạm mới chèo chiếc bè từ bên kia sông sang.
Xuống bè, chòng chành cùng với một nhóm gần 10 em học sinh tiểu học đi học về. Qua quan sát, chiếc bè được ghép lại bởi khoảng 15 cây tre, nhiều chỗ tre đã bị mục thủng, không chú ý là thụt chân và ngã xuống sông. Bà Nông Thị Mín, người kéo bè cho biết: Tôi kéo bè qua đoạn sông từ nhiều năm nay, do không có kinh phí nên chỉ mua những cây tre ghép lại thành bè, mỗi cây trị giá 30.000 đồng. Hằng ngày, tôi chèo bè đưa các cháu học sinh đi học và người dân qua lại hai bên bờ. Mỗi cháu học sinh thu 20 kg thóc/năm, mỗi người dân qua thì thu từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/người. Vào mùa mưa nước sông lên thì không chèo bè qua được, thôn bị cô lập với bên ngoài.
Mặc dù hằng ngày phải đi bè qua sông đi học, song nhiều em học sinh vẫn không khỏi run sợ. Em Phan Văn Vũ (thôn Đồng Xe), học sinh lớp 5 cho biết: Em chỉ sợ ngã xuống sông, không có phao, nếu không có người cứu giúp thì rất nguy hiểm.
Bà Mín thú thật: “Trong lúc chèo bè, đã nhiều phen tôi hú vía vì có nhiều người ngã xuống sông, song được cứu giúp kịp thời nên chưa có ai bị thiệt mạng. Tôi mong được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu để người dân đi lại thuận tiện”.
Mơ ước của thôn nghèo
Đồng Xe là thôn đặc biệt khó khăn của xã, toàn thôn có 99 hộ dân với 450 nhân khẩu, trong đó có đến 68 hộ nghèo, 26 hộ cận nghèo. Do không có cầu đi lại nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong thôn gặp không ít gian truân. Mỗi vụ mùa trồng lúa, hoặc ngô, lạc… việc vận chuyển phân bón qua sông đã khó khăn, thì việc thu hoạch và mua bán sản phẩm nông sản làm ra lại càng gian nan bội phần. Mặt khác, do đò sông cách trở nên người dân không thể đưa nông sản của mình ra các vùng khác để buôn bán. Để có thu nhập lo cho cuộc sống, người dân đành ngậm ngùi chịu cảnh tư thương ép giá, với giá bán thấp hơn thị trường từ 4 đến 5 giá.
Trong căn nhà nhỏ, anh Phan Văn Dũng, Phó Trưởng thôn Đồng Xe cho biết: Từ thôn ra đến trung tâm xã có hai con đường, một là đi qua bè, sang bên kia sông đi khoảng 1 km là đến trung tâm UBND xã; hai là đi vòng lên thôn Bông rồi mới đến trung tâm xã – đi theo đường này mất 6 – 7 km. Tuy vậy, cũng chỉ đi được bằng xe máy và rất khó khăn, mùa mưa nước to cũng không thể đi qua đường này được bởi có một con suối chảy ngăn cách. Chúng tôi rất mong được Nhà nước đầu tư cầu qua sông để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Rời thôn Đồng Xe vào lúc xế chiều, nhìn hình ảnh những đứa trẻ đi học về trên chiếc bè nhỏ chòng chành mà không khỏi lo âu. Bởi nguy hiểm luôn rình rập, trong khi những đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể ý thức được hết sự nguy hiểm đó.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()