Mong chờ tổ chức công đoàn xây nhà ở xã hội
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong lần sửa đổi này, tại khoản 4 Điều 78 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê. Đây là vấn đề đang được đông đảo đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp, cán bộ công đoàn quan tâm.
Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). |
Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân Công ty TNHH giày Sunjade Việt Nam (Khu công nghiệp Lễ Môn, Thanh Hóa) bày tỏ: Những công nhân lành nghề, gắn bó với doanh nghiệp lâu năm, thu nhập ổn định như chị có khả năng mua nhà ở xã hội. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị và đồng nghiệp biết đến gói 120 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Nếu được tiếp cận với gói này sẽ vừa sức với túi tiền của công nhân lao động.
Tuy nhiên, điều cản trở lớn nhất đối với chị và nhiều công nhân khác là họ thiếu thông tin hoặc không biết tiếp cận phương thức mua nhà ở xã hội ở đâu, như thế nào. Khi biết thông tin Chính phủ đề xuất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, chị Hằng cho biết, nếu đề xuất này được phê duyệt, chị cảm thấy yên tâm hơn khi chính tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của mình đứng ra làm chủ đầu tư. Bởi hơn ai hết, công đoàn thấu hiểu rõ nhất tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, thiếu thốn, bức xúc của người lao động, đồng hành cùng họ để giải quyết.
Các cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn Khu chế xuất, khu công nghiệp, đều cho rằng, việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân là hợp lý, phù hợp chức năng chăm lo của tổ chức Công đoàn. Bởi, khi tổ chức Công đoàn được làm chủ đầu tư, công nhân sẽ cảm thấy an tâm và tin tưởng quyền lợi của họ được bảo đảm hơn. Ở khía cạnh khác, khi tổ chức Công đoàn đứng ra khảo sát tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để xây nhà cho thuê, sẽ phù hợp, đáp ứng nhu cầu sát sườn của người lao động.
Việc chọn đúng chủ đầu tư, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn trên cơ sở Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư.
Qua khảo sát của tổ chức công đoàn, số công nhân, lao động có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội không nhiều, phần lớn có nhu cầu thuê chỗ ở tiện nghi, sạch sẽ, nhất là bảo đảm an toàn, an ninh để họ yên tâm vào đơn vị, tăng ca sản xuất. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan nhận định: Mục đích của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi xây nhà ở xã hội để cho công nhân, lao động thuê, chứ không bán là phù hợp tình hình thực tế ở nhiều địa phương cũng như nhu cầu của đoàn viên, người lao động hiện nay. Nếu tổ chức Công đoàn Việt Nam được đứng ra đầu tư, xây dựng sẽ đáp ứng được các thiết chế đi kèm như: trường học, nhà văn hóa, siêu thị Công đoàn, tạo sự gắn kết và phục vụ tối đa cho đoàn viên, người lao động.
Việc tổ chức Công đoàn tham gia xây nhà ở xã hội cho công nhân thuê thể hiện trách nhiệm xã hội và góp phần cải thiện chất lượng sống cho người lao động. Bên cạnh đó, còn có những băn khoăn đến từ các chủ doanh nghiệp và cán bộ công đoàn. Tuy nhiên, Giám đốc kinh doanh tiếp thị truyền thông Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Thị Hằng, cũng bày tỏ lo ngại, bởi đây là vấn đề lớn, cần có bộ máy có chuyên môn sâu thực hiện.
Nếu giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần khảo sát nhu cầu và khả năng chi trả của đối tượng thụ hưởng là công nhân, lao động, đồng thời hợp tác với các đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế riêng để tổ chức Công đoàn thuận lợi triển khai.
Các ý kiến cho rằng, các dự án nhà ở cho công nhân, lao động thuê có vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi dài, cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp. Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở.
Nguồn kinh phí thu được từ dự án này sẽ tái đầu tư. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách để tổ chức Công đoàn Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định. Quốc hội có thể giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức xây thí điểm, tập trung cho công nhân, lao động thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nếu phát huy hiệu quả thì mới quy định trong Luật ■
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()