Móng Cái: Phát triển văn hoá gắn với phát triển du lịch
Hiện nay, trên địa bàn TP Móng Cái có 34 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 10 lễ hội truyền thống. Móng Cái còn có các di sản văn hoá phi vật thể rất phong phú và mang nét đặc trưng của vùng đất, như Lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội đình Vạn Ninh, các phong tục, tập quán, những hình thái diễn xướng như: Hát Then, hát Cửa Đình, hát Nhà Tơ, hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ v.v…
Hiện nay, du lịch văn hoá đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Móng Cái, đây là loại hình du lịch có tiềm năng lớn và hứa hẹn nhiều triển vọng. Vì vậy, Móng Cái đã xác định trong lộ trình phát triển du lịch sẽ dựa trên sự phát triển hài hoà về văn hoá tâm linh. Hiện thực hoá chủ trương, TP Móng Cái đã tích cực đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư phát triển các công trình văn hoá gắn với khai thác, phát triển du lịch. Cụ thể năm 2009, TP Móng Cái và Bộ VHTT&DL đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng cụm thông tin cổ động Sa Vỹ, đầu tư xây dựng công trình biểu tượng quảng bá du lịch tại ngã ba Trà Cổ – Bình Ngọc. Hiện nay, việc xây dựng biểu tượng đang được gấp rút triển khai, dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2012. Đây được coi là biểu tượng mang giá trị đặc trưng có tính chất quảng bá rộng rãi cho thương hiệu cũng như lôgô các sản phẩm du lịch của TP Móng Cái. Công trình được xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ năm 2008, TP Móng Cái đã xây dựng thành công Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá giai đoạn 2009-2015 và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, thành phố đã tích cực hoàn thiện công tác tôn tạo, khôi phục các di tích trên địa bàn với tổng kinh phí lên tới gần 100 tỷ đồng. Cụ thể: Tôn tạo đình Trà Cổ với tổng mức đầu tư 22,343 tỷ đồng từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, ngân sách tỉnh và nguồn huy động xã hội hoá khác; tôn tạo đình Vạn Ninh với tổng kinh phí xã hội hoá 2,4 tỷ đồng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị đền Xã Tắc, chùa Xuân Lan, chùa Nam Thọ, nhà thờ Xuân Ninh, nhà thờ Hồng Kỳ, nhà thờ Hải Yên với tổng kinh phí 44,34 tỷ đồng… Ngoài ra, thành phố còn tiến hành phục dựng lại 4 lễ hội mang giá trị tín ngưỡng đặc sắc trên địa bàn, trong đó có hát Nhà Tơ và hát Cửa Đình.
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng TP Móng Cái và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thì việc khai thác những di sản văn hoá đó phục vụ cho du lịch chưa hiệu quả, sự gắn kết giữa văn hoá và du lịch không chặt chẽ, còn mang tính tự phát. Ngoài ra, việc thiếu hướng dẫn viên am hiểu sâu sắc về văn hoá địa phương, truyền tải được giá trị của di sản đến tới du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các sản phẩm du lịch di sản chưa thu hút được đông đảo khách tham quan.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch – Dịch vụ Hữu Nghị cho biết, bước đi trong lộ trình phát triển du lịch của Móng Cái là hoàn toàn phù hợp với xu thế. Bởi lẽ ông cho rằng, bên cạnh nhu cầu vui chơi, giải trí, khi đặt chân đến một vùng đất, hầu hết du khách đều mong muốn tìm hiểu về bản sắc văn hoá địa phương. Ông cũng khẳng định, Công ty ông đã tổ chức một số tour du lịch cho khách quốc tế tới đình Trà Cổ, nhà thờ Trà Cổ và một số danh thắng khác. Tuy nhiên, Móng Cái chưa tạo ra được những dịch vụ du lịch tốt để chào đón du khách.
Thực tế cho thấy, du lịch và văn hoá luôn có sự gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển. Nếu di sản văn hoá được bảo tồn tốt, giá trị và tính hấp dẫn sẽ lớn hơn, đó cũng là cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm du lịch. Mặt khác, khi du lịch phát triển, các điểm đến sẽ có thêm những nguồn thu để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Ý kiến ()