Mông Ân: Vươn lên từ nội lực
(LSO) – Là một xã vùng khó của huyện nghèo Bình Gia, nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng và nội lực, xã Mông Ân đã và đang đổi thay từng ngày, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát triển du lịch
Một trong những điểm nổi bật của xã Mông Ân trong những năm gần đây là đã khai thác được lợi thế tự nhiên, thu hút đầu tư, đưa lĩnh vực du lịch trở thành đòn bẩy để phát triển kinh tế. Từ tháng 4/2017, doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái thác Đăng Mò với tổng vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Từ đó, thác Đăng Mò đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Vào mùa hè, trung bình mỗi ngày, khu du lịch đón từ 100 đến 200 lượt khách, ngày cuối tuần lên tới 300 đến 400 lượt khách. Khi du khách biết đến thác Đăng Mò cũng là lúc xã Mông Ân quyết định đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Với sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân, cùng với sự hấp dẫn của địa bàn mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Tày – Nùng, các điểm du lịch cộng đồng tại Mông Ân đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của du khách. Riêng trong năm 2019, Mông Ân đã đón nhiều đoàn khách, trong đó có 6 đoàn khách quốc tế.
Du khách quốc tế tham quan làng du lịch cộng đồng xã Mông Ân
Ông Hoàng Văn Bạch, thôn Nà Cớm – người tiên phong tham gia làm du lịch cộng đồng tại xã Mông Ân cho biết: Nếu như trước đây, khách quốc tế đến Lạng Sơn chỉ tham quan, du lịch cộng đồng tại huyện Bắc Sơn thì giờ đây các đoàn khách đã thực hiện tour đi bộ: Đồng Ý – Mông Ân – Long Đống – Bắc Quỳnh. Các đoàn khách cũng thường lựa chọn nghỉ qua đêm, tại Mông Ân để thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các nét văn hóa và tham gia vào một số hoạt động xã hội, thể dục, thể thao…
Thúc đẩy sản xuất
Song song với phát triển du lịch, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xã Mông Ân đã vận động người dân, khai thác lợi thế tự nhiên để đầu tư các mô hình sản xuất từ trồng trọt và chăn nuôi phù hợp. Đến nay, toàn xã có 1.008 ha rừng hồi, keo, mỡ. Ngoài ra còn có thêm mô hình trồng cây mắc ca với diện tích hơn 13 ha và khoảng 40 mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Điển hình trong số đó có mô hình trồng cây cam đường với hơn 400 gốc của gia đình bà Hoàng Thị Liệu tại thôn Cốc Mặn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ; mô hình nuôi bò 3B nhốt chuồng của hộ gia đình ông Hoàng Minh Yên, thôn Bản Muống cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm…
Ông Hoàng Văn Thắng, cán bộ phụ trách nông, lâm, UBND xã Mông Ân cho biết: Hiện tại, toàn xã có 262 ha rừng hồi đang cho thu hoạch, bình quân sản lượng đạt hơn 2 tấn hoa hồi tươi/ha/năm. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg thì mỗi năm, các hộ trồng hồi có thu nhập hơn 10 tỷ đồng.
Đổi thay từng ngày
Với sự phát triển khá toàn diện trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, kết thúc năm 2019, xã Mông Ân, huyện Bình Gia được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giờ đây, toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn của Mông Ân đã được bê tông hóa, các công trình hạ tầng quan trọng (trụ sở xã, trường học, trạm y tế…) được sửa chữa, nâng cấp và xây mới khang trang, hiện đại. Đời sống người dân từng bước nâng lên. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm, tăng 22 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đều qua từng năm, nếu như năm 2015 cả xã có đến 61,7% hộ nghèo, thì đến nay chỉ còn 8,2%, dự kiến cuối năm 2020 giảm còn 5,2%.
Ông Hoàng Văn Ấn, Chủ tịch UBND xã Mông Ân cho biết: Có được thành quả trên là do sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và sự nỗ lực vươn lên, thay đổi nhận thức trong cách làm kinh tế, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang đầu tư các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa của người dân. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân xã Mông Ân quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao với mục tiêu là hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, phát triển du lịch cộng đồng và phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 40 triệu đồng/người/năm.
Ý kiến ()