Môn Sơn ngày càng no ấm
Tự hào là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của phong trào yêu nước, đấu tranh giành chính quyền, Môn Sơn vinh dự là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của các huỵên miền núi Nghệ An... Phát huy truyền thống vẻ vang đó, Đảng uỷ xã Môn Sơn (Con Cuông) trong giai đoạn đổi mới luôn đưa ra các chương trình, nghị quyết phù hợp thực tế, lãnh đạo đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no, giàu đẹp. Nhiều năm liền, Đảng bộ được xếp loại trong sạch, vững mạnh tiêu biểu...Năm 1931, Chi bộ đảng Môn Sơn được thành lập gồm năm đảng viên, do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Chi bộ đảng Môn Sơn ra đời đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng trong đồng bào dân tộc thiểu số miền tây xứ Nghệ. Trong cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, bà con các dân tộc ở Môn Sơn đã nhất tề đứng dậy, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh giành thắng lợi, phá kho thóc chia cho dân nghèo. Trong...
Năm 1931, Chi bộ đảng Môn Sơn được thành lập gồm năm đảng viên, do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Chi bộ đảng Môn Sơn ra đời đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng trong đồng bào dân tộc thiểu số miền tây xứ Nghệ. Trong cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, bà con các dân tộc ở Môn Sơn đã nhất tề đứng dậy, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh giành thắng lợi, phá kho thóc chia cho dân nghèo. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào dân tộc thiểu số ở Môn Sơn đã đóng góp không ít sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc. 72 người con ưu tú của quê hương Môn Sơn đã anh dũng hy sinh, 35 người là thương binh và một người được công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1996, Môn Sơn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, vượt qua những khó khăn của một xã biên giới vùng cao, Đảng bộ và nhân dân Môn Sơn luôn phát huy tinh thần cách mạng, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất. Nhiều năm qua, Đảng ủy xã đã có những chủ trương, các nghị quyết chuyên đề sát đúng, phù hợp tình hình thực tế lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Đảng bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện giao đất, khoán rừng, phát triển dịch vụ thương mại… nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Với phương châm bám sát cơ sở, Đảng ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong Ban chấp hành Đảng ủy theo dõi các chi bộ, các tổ chức đoàn thể, cùng phối hợp thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề. Đồng thời, chi bộ phân công đảng viên phụ trách từng tổ dân cư, từng hộ gia đình, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguỵên vọng cũng như những kiến nghị, đề xuất của bà con về giống, phân bón… để kịp thời điều chỉnh, có sự thay đổi phù hợp. Với cách làm đó, hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Môn Sơn đã biết chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh, tăng vụ; đưa các loại giống có năng suất cao vào sản xuất; chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa… Nhờ đó, sản lượng lương thực của xã tăng nhanh, bền vững, năm 2010, ước tính đạt hơn 5.100 tấn, vượt kế hoạch đề ra; nhiều hộ gia đình đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao; nâng tổng đàn gia súc lên gần 6.000 con… Cùng với đó, vấn đề khoanh nuôi, bảo vệ rừng được Đảng ủy, UBND xã quan tâm. Nhiều mô hình kinh tế rừng được xây dựng, người dân được vay vốn ủy thác đầu tư vào trồng rừng, đến nay, diện tích rừng trồng đã tăng lên 307ha, nâng độ che phủ đạt hơn 85%. Đồng thời, tích cực vận động các hộ có điều kiện mạnh dạn mở rộng kinh doanh, dịch vụ, thành lập các công ty cổ phần xây dựng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Từ đó, đời sống của người dân Môn Sơn không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,5 triệu đồng/người/năm.
Song song với đó, công tác xây dựng Đảng được quan tâm, đẩy mạnh. Với đặc thù của một xã miền núi, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, Đảng bộ đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên rèn luyện, phấn đấu thành những quần chúng ưu tú, bồi dưỡng họ trở thành đảng viên. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để họ nâng cao trình độ, tham gia các công tác đoàn thể, tự rèn luyện bản thân, hoàn thiện các tiêu chuẩn để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong năm năm trở lại đây, Đảng bộ đã kết nạp được 58 đảng viên, trong đó có 43 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Để xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, Đảng bộ từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các buổi sinh hoạt gắn với từng chủ đề, chủ điểm; gắn với tình hình thực tế của từng chi bộ, bám sát các kiến nghị của quần chúng nhân dân để từ đó đưa ra bàn bạc, tìm cách giải quyết hợp lòng dân. Đồng thời, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, lựa chọn những người có năng lực, uy tín với đồng bào, 'nói dân nghe, làm dân tin'…
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn Ngân Thị Hà cho biết: 'Để lãnh đạo địa phương phát triển kinh tế, xây dựng làng bản ấm no, thì trước hết phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, Đảng ủy phải luôn bám sát tình hình, thực tế của địa phương, tâm tư của nhân dân để từ đó có những nghị quyết, đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển một cách phù hợp, hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()