Môn Lịch sử thực chất sẽ được tăng cường trong chương trình mới
Thận trọng khi triển khai môn Lịch sử vào nội dung giáo dục tích hợp
Những ngày qua, vấn đề vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống chương trình Giáo dục phổ thông được làm nóng với những tranh luận phản biện việc Bộ GD-ĐT để Lịch sử trở thành môn tích hợp và tự chọn. Nhiều chuyên gia giáo dục, Sử học khẳng định, Lịch sử phải là một môn học độc lập, không thể tích hợp và cho rằng thiết kế môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể sẽ đồng nghĩa với “khai tử” cho môn Lịch sử ở cấp học phổ thông.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ngày 10-11 đã trả lời về vấn đề này trên sóng truyền hình quốc gia. Thứ trưởng cho rằng thông tin như trên là chưa đầy đủ, chưa phản ánh đúng bản chất việc đổi mới giáo dục Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Thứ trưởng cho biết: Cũng như như môn học khác, việc dạy học Lịch sử sẽ được tổ chức lại theo từng cấp học. Ở bậc tiểu học kiến thức lịch sử sẽ được chuyển tải cùng một số môn học khác trong môn Tìm hiểu xã hội. Ở bậc THCS tích hợp với Địa lý thành môn Khoa học xã hội. Ở bậc THPT Lịch sử tiếp tục tích hợp với Địa lý thành môn KHXH, ngoài ra tích hợp với Giáo dục công dân và Giáo dục Quốc phòng trong môn Công dân với Tổ quốc. Hai môn này là bắt buộc. Lịch sử cũng đứng độc lập như một môn tự chọn trong chương trình THPT dành cho học sinh muốn thi đại học vào các khối có môn thi Lịch sử. Ngoài ra còn có các chuyên đề học tập lịch sử.
“Cách thức thiết kế mới sẽ tăng hiệu quả việc học môn Lịch sử lên rất nhiều. Tôi nói là Giáo dục Lịch sử chứ không phải Bộ môn Lịch sử. Bộ môn Lịch sử, kiến thức Sử học, Khoa học Lịch sử là những kiến thức hoàn toàn không giống nhau. Ở THPT thì có Giáo dục định hướng nghề nghiệp, chúng ta cũng có sự phân biệt khác nhau giữa các học sinh có định hướng khác nhau. Các em định hướng nghề nghiệp Lịch sử thì được học nhiều hơn, sâu hơn về lịch sử, các em có định hướng khác thì được học nhẹ hơn nhưng vẫn nhiều hơn thời lượng so với chương trình hiện nay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Như vậy, điều quan trọng là làm sao để thiết kế các môn tích hợp và thiết kế các môn học hấp dẫn đối với học sinh – Thứ trưởng cho biết thêm.Các nhà viết chương trình, viết sách giáo giáo khoa năm nay phải là những người giỏi về khoa học chuyên ngành, đồng thời giỏi cả về khoa học sư phạm để thiết kế chương trình bảo đảm tính khoa học của bộ môn, vừa bảo đảm tính sư phạm để dạy học hiệu quả.
Ý kiến ()