Đỉnh cao trong các hành vi trên của Trung Quốc là hai vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 ngày 26/5 và tàu Viking 2 ngày 9/6. Qua những vụ việc này, nhiều người không khó để nhận thấy Trung Quốc đã có chủ ý và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, để thực thi ý đồ kiểm soát biển Đông. Những ai quan tâm đến tình hình biển Đông trong thời gian qua có lẽ đều hơn một lần nhìn thấy tấm bản đồ có các nét vẽ đường phân khúc 9 đoạn men theo bờ biển của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia... được chính quyền Trung Quốc cho lưu hành rộng rãi với mưu đồ giành quyền kiểm soát 80% diện tích biển Đông."Đường lưỡi bò" hay "vùng nước lịch sử"Điều đáng ngạc nhiên là đường phân khúc 9 đoạn (thường được gọi là "đường lưỡi bò", "đường chữ U" hay "đường đứt đoạn") không hề được phía Trung Quốc xác định tọa độ, nhưng từ lâu nay, Trung Quốc cứ mặc nhiên coi đó là đường biên giới biển của Trung Quốc trên biển Đông!Trên thực tế thì giữa thế kỷ XX trở...
Đỉnh cao trong các hành vi trên của Trung Quốc là hai vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 ngày 26/5 và tàu Viking 2 ngày 9/6. Qua những vụ việc này, nhiều người không khó để nhận thấy Trung Quốc đã có chủ ý và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, để thực thi ý đồ kiểm soát biển Đông.
Những ai quan tâm đến tình hình biển Đông trong thời gian qua có lẽ đều hơn một lần nhìn thấy tấm bản đồ có các nét vẽ đường phân khúc 9 đoạn men theo bờ biển của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia… được chính quyền Trung Quốc cho lưu hành rộng rãi với mưu đồ giành quyền kiểm soát 80% diện tích biển Đông.
“Đường lưỡi bò” hay “vùng nước lịch sử”
Điều đáng ngạc nhiên là đường phân khúc 9 đoạn (thường được gọi là “đường lưỡi bò”, “đường chữ U” hay “đường đứt đoạn”) không hề được phía Trung Quốc xác định tọa độ, nhưng từ lâu nay, Trung Quốc cứ mặc nhiên coi đó là đường biên giới biển của Trung Quốc trên biển Đông!
Trên thực tế thì giữa thế kỷ XX trở về trước, cái gọi là “đường lưỡi bò” chưa từng xuất hiện ở bất cứ một tấm bản đồ nào, ngay cả bản đồ của nước Trung Hoa. Đến năm 1947, khi Chính phủ Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch công bố bản đồ của nước mình, đã tự phác ra một đường được tạo bởi 11 đoạn đi theo bờ biển Đông.
Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, dựa trên bản đồ của chính quyền trước, đã cho công bố một bản đồ với đường phân khúc 9 đoạn (bỏ 2 đoạn nằm trong vịnh Bắc Bộ), nhưng không đưa ra bất kỳ một lời tuyên bố nào kèm theo để giới thiệu ý nghĩa địa lý – chính trị của đường phân khúc đó. Để rồi từ đó đến nay, Trung Quốc tự coi “đường lưỡi bò” vô căn cứ ấy là đường biên giới biển của Trung Quốc trên biển Đông.
Đối chiếu “đường lưỡi bò” của Trung Quốc với thực tế trên biển Đông, mọi người lương thiện và am hiểu luật pháp quốc tế đều có thể nhận thấy, đây là điều phi lý. Bởi, đường phân khúc 9 đoạn chỉ được vẽ một cách mơ hồ trên bản đồ, không xác định được tọa độ. Chắc chắn vì tính chất mơ hồ và vô lý ấy mà trong suốt mấy chục năm trước đây, Trung Quốc chưa hề đưa ra một tuyên bố chính thức nào khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò”.
Ngay cả khi ký và phê chuẩn Công ước 1982 về Luật Biển, Trung Quốc cũng không hề bảo lưu vấn đề này. Chỉ tới gần đây, Trung Quốc mới bắt đầu lộ ý đồ kiểm soát biển Đông và từ đó, “đường lưỡi bò” trở thành một phương tiện để thực hiện ý đồ đó, bất chấp tính chất phi lý và phi nghĩa của nó.
Về mặt lịch sử, qua hàng chục thế kỷ, thực tế cũng cho thấy chưa bao giờ Trung Quốc thể hiện được chủ quyền đối với cái gọi là “vùng nước lịch sử” này. Trong khi đó, từ các thế kỷ trước, các quốc gia ven biển Đông vẫn thực thi các hoạt động bình thường trên biển, chưa xảy ra bất kỳ một tranh chấp nào. Và ở thời hiện đại, các quốc gia này vẫn tiến hành các hoạt động trên biển phù hợp với Công ước năm 1982 về Luật Biển. Cho đến những năm 90 của thế kỷ XX, việc quản lý, thực thi quyền chủ quyền và triển khai các hoạt động hàng hải, dầu khí, nghề cá của các quốc gia ven biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của mình đều không hề vấp phải bất kỳ sự ngăn cản nào từ phía Trung Quốc.
Còn về phía Trung Quốc, các tuyên bố năm 1958, năm 1992 về vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp; năm 1996 về đường cơ sở và năm 1998 về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đều không đề cập đến cái gọi là “vùng nước lịch sử”. Ngay cả Bị vong lục của Trung Quốc công bố năm 1980 về vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng không đề cập tới “vùng nước lịch sử” này.
Tới ngày 7/5/2009, sau khi Việt Nam đệ trình Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam và Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc và tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa trong các ngày 27 và 28/8/2009 tại New York, đại diện của Chính phủ Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực Bắc biển Đông thì Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc mới chính thức cho lưu hành tại Liên hợp quốc sơ đồ về “đường lưỡi bò”, và không có bất kỳ một lời giải thích nào. Dường như bằng việc làm này, Trung Quốc đã tiếp tục hành xử theo cung cách cứ đưa ra các luật lệ và bắt người khác phải tuân theo?
Trước thái độ của Trung Quốc, các nước có liên quan trực tiếp đến biển Đông đều không thừa nhận cái gọi là “vùng nước lịch sử” mà Trung Quốc yêu sách. Một số nước lần lượt ban ban hành các luật lệ, quy định về các vùng biển và cùng nhau ký kết các hiệp định phân định các vùng biển chồng lấn cũng như các thỏa thuận hợp tác khác để trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận yêu sách “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc. Ngay cả các nước ở ngoài khu vực, trong đó có các nước lớn, cũng bày tỏ sự bất bình trước yêu sách “vùng nước lịch sử” trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đòi hỏi. Bởi ngoài Trung Quốc ra, thì mọi chính phủ đều thấy việc đòi hỏi đến 80% diện tích biển Đông của Trung Quốc là bất chấp luật pháp quốc tế.
Rõ ràng là đến nay, cả về thực tế lịch sử và về luật pháp quốc tế, Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ một cứ liệu nào có thể coi là thỏa đáng để bảo vệ cái gọi là “vùng nước lịch sử” nằm trong cái “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra.
Với tư cách thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, lẽ ra hơn ai hết, Trung Quốc phải làm gương, nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước 1982 về Luật Biển của Liên hợp quốc, nhưng trên thực tế Trung Quốc lại xâm hại đến hầu hết các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển Đông; đi ngược lại những gì mà Trung Quốc đã cam kết trong tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tháng 10/2002.
Lập luận và hành xử không tôn trọng luật pháp quốc tế
Nhìn cung cách ứng xử của Trung Quốc trên biển Đông, các thông tin, lập luận của Trung Quốc đưa ra về “đường lưỡi bò” và các vụ gây hấn với tàu Bình Minh 02 và tàu Viking 2 của Việt Nam làm cho người dân Việt Nam không khỏi bức xúc.
Cách ứng xử đó không phù hợp với tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam về quan hệ giữa hai nước theo phương châm “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần 4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt).
Tàu thuyền Trung Quốc liên tục ngáng trở hoạt động đánh bắt cá của bà con ngư dân Việt Nam, ngăn cản việc thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam, đe dọa các công ty dầu lửa nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam. Đặc biệt, đỉnh cao trong các hành vi trên của Trung Quốc là hai vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 ngày 26/5 và tàu Viking 2 ngày 9/6. Qua những vụ việc này, nhiều người không khó để nhận thấy Trung Quốc đã có chủ ý và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, để thực thi ý đồ kiểm soát biển Đông.
Sau mỗi lần gây hấn trên biển, lập tức các cơ quan truyền thông của Trung Quốc đồng loạt đưa tin xuyên tạc, đổ lỗi cho Việt Nam, bình luận một cách nguy hiểm và bất lợi cho Việt Nam, làm cho người dân Trung Quốc đi tới nhận thức rằng, Việt Nam, Philippines… xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Bằng hệ thống thông tin đại chúng khổng lồ và tranh thủ mọi diễn đàn, Trung Quốc thao túng thông tin, đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế mà trong đó phải kể đến tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 9/6 đã bóp méo, bịa đặt những tình tiết hoang đường về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam.
Những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã và đang tỏ ra rất cố gắng để xây dựng hình ảnh một đất nước Trung Hoa hòa bình, hữu nghị, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Nhân dân Việt Nam luôn mong muốn đất nước Trung Hoa phát triển tốt đẹp. Hy vọng những hành động đang làm tổn hại hình ảnh Trung Quốc trong nhân dân khu vực Đông Nam Á và thế giới sẽ được chấm dứt.
Theo CAND
Ý kiến ()