Mối nguy mất cân bằng giới tính ảnh hưởng đến các chuẩn mực xã hội
Xét về các cấp độ, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội của tất cả các quốc gia có tình trạng này.
Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị…
Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư), nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn giữ như hiện nay, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Mất cân bằng giới tính tăng nhanh và lan rộng
Tiến sỹ Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho hay tỷ số giới tính khi sinh phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai trên 100 bé gái sinh ra sống. Khi nói đến mất cân bằng giới tính khi sinh tức là khi tỷ số giới tính khi sinh không nằm trong khoảng 104-106 bé trai trên 100 bé gái sinh ra sống. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên.
Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006 khi tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109,8 và tỷ số này là 112,1 năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Năm 2006, có 3/6 vùng mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến 2020 là 5/6 vùng, chỉ có Tây Nguyên là đang ngưỡng an toàn. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng tỷ số này ở mức rất cao là 113,6, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc (112,7).
Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh trong nhóm nghèo nhất là 108,2 so với 112,9 ở nhóm giàu nhất. tỷ số giới tính khi sinh cũng cao hơn ở nhóm có trình độ học vấn cao và cao hơn ở một số nhóm dân tộc thiểu số so với các dân tộc khác.
Ảnh hưởng đến các chuẩn mực xã hội
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình phân tích, xét về các cấp độ, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội của tất cả các quốc gia có tình trạng này. Một số quốc gia châu Á đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc mất cân bằng giới tính khi sinh như: Trung Quốc, Ấn Độ. Về cấp độ cá nhân, các cá nhân và đặc biệt là người phụ nữ có thể phải chịu áp lực, kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí bạo lực do sự ưu thích con trai. Việc cố đẻ bằng được con trai hoặc nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người phụ nữ.
Về cấp độ gia đình và cộng đồng, xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính ở độ tuổi kết hôn, đặc biệt là ở nhóm nam giới có nền tảng kinh tế-xã hội thấp; phân biệt đối xử, kỳ thị đối với cặp vợ chồng không có con trai; giá trị vị thế của người phụ nữ không có con trai bị giảm thấp và thậm trí sẽ tăng tỷ lệ ly hôn vì lý do người phụ nữ không sinh được con trai.
Về cấp độ xã hội, sẽ “dư thừa” hàng triệu nam giới hay nói cách khác là thiếu hụt phụ nữ và trẻ em gái; đàn ông phải sống độc thân sẽ bị thay đổi các mối quan hệ và tình dục; buôn bán người, xuất cảnh để kết hôn và tăng tốc độ già hoá dân số.
Theo ông Phạm Vũ Hoàng, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới chuẩn mực xã hội, khi vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp, thậm chí phụ nữ còn trở thành hàng hoá của nạn buôn bán người và mại dâm.
Ông Hoàng cho hay, chính vì vậy, công tác dân số hiện nay phải giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề về về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Các vấn đề dân số nêu trên đều là những thách thức lớn đối với công tác dân số của Việt Nam hiện nay. Riêng về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, để giải quyết tình trạng này, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là xuất phát từ định kiến giới, từ tâm lý ưa thích con trai hơn con gái. Hiện nay, trong nhiều gia đình, tư tưởng đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội.
Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra: “Đưa tỷ số giới tính khi sinh về dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống,” tiến tới đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi là vô cùng quan trọng.
Do đó, để giải quyết triệt để tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ và với sự quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Như vậy mới có thể thay đổi một vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người dân, từng gia đình, từng dòng họ trong suốt thời gian qua.
Việt Nam cũng đã nghiên cứu các chính sách và kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước có đặc điểm văn hóa tương đồng như Hàn Quốc (Hàn Quốc đã đưa được tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên từ những năm 2000) và Trung Quốc trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án và triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam./.
Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) lấy chủ đề: “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta.” Chiến dịch của UNFPA khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhân Ngày Dân số Thế giới 2023 sẽ tập trung vào quyền sinh sản của phụ nữ – dựa trên góc độ bình đẳng giới và quyền con người. Tập trung vào việc làm thế nào để hỗ trợ quyền lựa chọn về sức khỏe sinh sản của phụ nữ là chìa khóa giải quyết các vấn đề về dân số. |
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()