Mối nguy khi bất động sản tăng giá “vô lý, bất thường”
Trong phiên thảo luận tại hội trường với báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, cả đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội khi phát biểu đều có chung nhận định: Giá bất động sản tăng quá mạnh trong năm 2024 là “vô lý, bất thường” và tăng quá cao so với thu nhập của đa số người dân.
Có nhiều nguyên nhân được đoàn giám sát và đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành và Chính phủ đưa ra để mổ xẻ, phân tích tại phiên họp, trong đó có nguyên nhân do tình trạng “thổi giá” của giới đầu cơ bằng nhiều chiêu trò khác nhau. Đó là tình trạng đấu giá quyền sử dụng đất cao vọt (sau đó bỏ cọc) để tạo “mặt bằng giá mới” trong khu vực, từ đó nhanh chóng bán đất đã được mua gom trước đó nhằm chốt siêu lợi nhuận; hay tình trạng “làm giá”, thực hiện các chiêu trò thao túng tâm lý người mua để thiết lập mặt bằng giá bất động sản mới...
Hậu quả của việc đẩy giá bất động sản tăng quá cao đến mức “vô lý, bất thường” và “quá cao so với thu nhập của người dân” như vậy thì ai cũng có thể nhìn thấy được. Khi người dân không thể đủ sức để mua bất động sản, giao dịch vì nhu cầu thực sẽ giảm đến đáy, các giao dịch trên thị trường chủ yếu là do các nhà đầu cơ thực hiện với hy vọng “lướt sóng kiếm lời” thông qua những đòn bẩy tài chính. Đến một thời điểm nào đó, khi những đòn bẩy tài chính không còn đủ lực đỡ cho các giao dịch trên thị trường, tất yếu dẫn tới tình trạng “đóng băng thị trường” như từng xảy ra trong giai đoạn 2008-2011. Hậu quả cho từng cá nhân đầu cơ và cho cả nền kinh tế trong thời gian đó như thế nào, hẳn mọi người vẫn chưa thể quên được.
Do vậy, các nhà đầu cơ cần hết sức tỉnh táo trước tình hình hiện tại, đừng tự biến mình thành những “chú cá bé” tội nghiệp trước những hàm “cá mập” lão luyện trên thị trường. Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cũng cần có giải pháp hữu hiệu để tránh lặp lại một chu kỳ khủng hoảng tồi tệ do lòng tham của các nhà đầu tư tạo ra. Tuy không thể dùng các giải pháp hành chính can thiệp vào thị trường nhưng có thể sử dụng những công cụ như siết dần van tín dụng đổ vào bất động sản một cách khoa học. Chẳng hạn như chỉ cấp ưu đãi tín dụng mua nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho những cá nhân có khó khăn về nhà ở...
Khi dòng tiền chi phí thấp từ tín dụng bị chặn đứng chảy tới giới đầu cơ thì tất yếu giá bất động sản sẽ thôi bị làm loạn, dần trở về với giá trị thực và phù hợp với khả năng thanh toán của đa số người dân. Thị trường bất động sản lúc đó mới có thể trở lại trạng thái bình thường.
Ý kiến ()