Mối nguy hại trên không gian mạng
Với khả năng cắt ghép khuôn mặt và tạo ra những video giả một cách tinh vi, công nghệ deepfake đang trở thành công cụ hỗ trợ cho các cá nhân, băng nhóm thực hiện hành vi phạm tội. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong một thế giới bùng nổ thông tin như hiện nay.
Theo AFP, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) mới đây cảnh báo, công nghệ deepfake đang có chỗ đứng trong “thế giới ngầm”. Cụ thể, công nghệ này có xu hướng được sử dụng nhiều hơn trong các vụ phạm tội. Do đó, các nước cần ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Deepfake là công nghệ cho phép ghép khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chính xác khá cao. Deepfake được xây dựng trên nền tảng Machine Learning (học máy). Nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), deepfake sẽ quét các video và ảnh chân dung của một người, sau đó tích hợp vào một video khác và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi, miệng… sao cho giống và tự nhiên nhất có thể.
Có thể ghép khuôn mặt của người này sang người khác bằng công nghệ deepfake. Ảnh: Getty Images |
Trong lĩnh vực sản xuất video, sử dụng deepfake sẽ giúp các nhà sản xuất thực hiện công việc dễ dàng và nhanh chóng hơn. Công nghệ này cho phép các nhà làm phim sửa các lỗi sai mà không cần tốn thời gian quay lại. Tuy nhiên, bên cạnh điểm mạnh, deepfake còn cho thấy mặt trái nguy hiểm. Kẻ xấu dùng deepfake để làm ra những nội dung giả mạo, có thể là hình ảnh, video hoặc âm thanh, để sử dụng trong những trò lừa đảo độc hại.
Trong báo cáo dài 23 trang, Europol cung cấp tổng quan chi tiết về các cách tội phạm sử dụng công nghệ deepfake, cùng với những thách thức mà các cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt trong việc phát hiện và ngăn chặn sử dụng deepfake cho mục đích xấu. Báo cáo này được Europol soạn thảo dựa trên kết quả nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia về pháp luật.
Trong một tuyên bố, Europol nhấn mạnh: “Việc ngày càng có nhiều thông tin sai lệch và lừa đảo bằng công nghệ deepfake sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận về chính quyền và các kênh thông tin chính thống”. Theo Europol, điều đó sẽ dẫn đến những bất ổn trong xã hội. Deepfake có thể khiến mọi người không còn được thoải mái chia sẻ video thực tế hoặc có thể tạo ra sự thiếu tin tưởng vào các nguồn thông tin. Đây là viễn cảnh được Europol gọi là “ngày tận thế thông tin” hoặc “sự lãnh cảm thực tế”.
Thậm chí, những kẻ có ý đồ xấu có thể sử dụng công nghệ deepfake để thao túng người dùng trực tuyến, trong đó có những hành vi lạm dụng trẻ em hoặc làm sai lệch thông tin trong các cuộc điều tra tư pháp. Các doanh nghiệp cũng có thể gặp rủi ro vì deepfake. Trong một ví dụ do Europol đưa ra, những kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake để bắt chước giọng nói của giám đốc điều hành một công ty và ra lệnh cho nhân viên chuyển 35 triệu USD vào tài khoản.
Hiện nay, phần lớn nội dung sử dụng công nghệ deepfake có thể được phát hiện thông qua các phương pháp thủ công như xác định các chi tiết bất thường trong cử động hay nét mờ quanh khuôn mặt. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc phát hiện hình ảnh hay video có dùng công nghệ deepfake sẽ ngày càng khó hơn. Do đó, Europol cho rằng, cần có một hệ thống quét bất kỳ nội dung kỹ thuật số nào và tự động báo cáo về tính xác thực của nó.
“Khi công nghệ deepfake ngày càng tinh vi, sử dụng hệ thống quét nội dung kỹ thuật số với độ chính xác cao sẽ hiệu quả hơn kiểm tra thủ công”, Europol nhấn mạnh. Nhiều công ty công nghệ đã triển khai các hệ thống ngăn chặn deepfake, trong đó có Meta-công ty chủ quản của Facebook và Instagram cũng như các mạng xã hội khác như TikTok, Reddit và Youtube.
Trong bối cảnh các nước đang phải chật vật đối phó với tin giả (fake news), sự phát triển của deepfake khiến cuộc chiến với các mối nguy hại trên không gian mạng gặp nhiều thách thức. Europol nhận định, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan thực thi pháp luật cần đánh giá những chính sách hiện hành và thực tiễn áp dụng, đồng thời đưa ra điều chỉnh cần thiết để ứng phó với tình trạng gia tăng các vụ lừa đảo liên quan đến công nghệ deepfake.
Ý kiến ()