Mối nguy hại tiềm ẩn từ cây mai dương
– Mai dương (cây mắt mèo hoặc trinh nữ nâu) là loài cây dại, thân gỗ có gai, rễ cọc, khả năng tái sinh cao, khó diệt trừ và rất hại đất. Nhiều năm trở lại đây, cây mai dương tồn tại, lấn chiếm một phần đất sản xuất, đe dọa hủy diệt hệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Với mức độ nguy hại như vậy, ngành chức năng cần tuyên truyền để người dân thấy rõ mức độ nguy hại và có biện pháp để loại trừ cây này.
Giữa tháng 10/2021, chúng tôi có dịp đến xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc và rất ấn tượng với hình ảnh khắp các sườn đồi đều nở trắng bởi hoa của cây mai dương. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của loài hoa này, chị Lã Thị Nương, thôn Phai Luông, xã Hợp Thành ngao ngán cho biết: Hơn chục năm trước, thấy cây mai dương có gai sắc nhọn, mọc nhanh, sống khỏe nên gia đình tôi đem về trồng làm hàng rào. Từ đó đến nay, dù tôi đã chặt bỏ nhiều lần nhưng cây vẫn phát triển nhanh, mọc lan dần khắp vườn khiến các cây trồng xung quanh không thể phát triển, thậm chí còn mọc lan sang cả vườn nhà đối diện vì gió thổi hạt giống bay sang đó.
Người dân thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc chặt phá cây mai dương
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện 7/7 thôn của xã Hợp Thành đều có sự xuất hiện của cây mai dương, cây mọc ven các sườn đồi, bãi đất, nhất là các khu vực ven suối, đập nước… Không riêng tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc mà đến nay, cây mai dương có mặt ở hầu hết các vùng nông thôn tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTT) tỉnh cho biết: Tại tỉnh ta, cây mai dương xuất hiện khoảng đầu những năm 2000 do người dân qua biên giới Trung Quốc đem về trồng làm hàng rào. Đến nay, cây phát triển, có mặt ở tất cả các huyện, thành phố, nhất là các vùng bãi bồi ven sông, suối, những khe dọc ít canh tác… Tuy chưa có thống kê cụ thể về diện tích cây mai dương nhưng thực tế cho thấy, loại cây này đang ngày càng phát triển, là mối nguy hại với đất và hệ sinh thái nông nghiệp.
Đáng nói là đến nay, người dân vẫn chưa có biện pháp diệt trừ triệt để loại cây này. Bởi cây mai dương có sức sống rất mãnh liệt, cả khi bị đốt cháy, loài cây này vẫn có khả năng mọc tái sinh bằng thân và gốc, rễ. Trung bình mỗi năm, cây ra hoa hàng chục lần, mỗi lần có thể sản sinh hàng nghìn hạt và phát tán nhanh nhờ gió, nước với tỉ lệ nảy mầm rất cao.
Anh Vi Văn Vang, thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi chưa thấy cây nào có sức sống mãnh liệt như vậy, chỉ cần gieo một hạt là vài tháng sau cây lên um tùm, 1 năm có thể cao đến gần 2 mét. Dù chúng tôi cố phá bỏ nhưng vẫn chưa thể diệt trừ được hết cây mai dương bởi chặt chừng nào cây lên nhiều chừng nấy, gom lại đốt cũng không hết, xịt thuốc hóa học cũng không triệt để.
Phó Trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chi cục TT&BVTT tỉnh cho biết thêm: Trước những mối nguy hại tiềm ẩn về cây mai dương, chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không trồng loại cây này trong mọi trường hợp. Hằng năm, bà con nên chặt, đốt trước khi cây ra hoa để hạn chế nguồn lây lan và nhổ bỏ các cây con mới mọc. Cùng đó, người dân không nên để đất hoang hoá lâu năm, nhất là các khe dọc ẩm thấp, bãi ven sông, ven suối…
Với mức độ nguy hại, đe dọa đến hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp của cây mai dương, ngay từ lúc này, các ngành chức năng tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ mức độ nguy hại và cần sớm có biện pháp để loại trừ triệt để loại cây này.
Cây mai dương gây xâm hại đất nông nghiệp vì chúng phát triển nhanh và làm đất bạc màu, tắc nghẽn dòng chảy, cản trở đi lại… Đồng thời, gây ảnh hưởng đến thực vật, động vật, mất cân bằng sinh thái vì hầu như không có động, thực vật nào khác sinh sống tại nơi cây này phát triển. Bên cạnh đó, cây mai dương chứa chất Mimosin (loại axit amin có thể gây độc) ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, gây ô nhiễm nguồn nước khi phân huỷ… Do vậy, năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới. |
Ý kiến ()