Mỗi người dân cần là một “vùng xanh” an toàn
Sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, đến nay, một số địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh trong cộng đồng, quyết định nới lỏng giãn cách xã hội để sớm ổn định đời sống nhân dân và các hoạt động kinh tế – xã hội trong tình hình mới.
Tuy nhiên, ngay khi vừa nới lỏng, có tình trạng người dân đổ ra đường, tụ tập, chen lấn. Điển hình như TP Hà Nội, sau khi cho phép từ ngày 16/9 mở lại một số dịch vụ và dỡ bỏ 39 chốt kiểm soát ra vào “vùng đỏ”, người dân đổ ra đường mỗi ngày một đông; trẻ nhỏ được cho đi chơi, người dân tụ tập ăn uống, tập trung đông người nơi công cộng; không ít người còn lên kế hoạch về quê chơi…
Nguyên nhân do tâm lý chủ quan, mất cảnh giác với dịch, nhiều người cho rằng đã tiêm vaccine, đã xét nghiệm sàng lọc liên tục thì có thể tự do đi lại, tiếp xúc.
Theo các chuyên gia về y tế dự phòng, hiện dịch Covid-19 đã lây trong cộng đồng, nghĩa là có thể bùng bất cứ lúc nào, ở đâu nếu không có biện pháp bảo vệ. Khi tỷ lệ tiêm vaccine còn ít thì nguy cơ lây lan dịch vẫn rất lớn. Phải chờ đến lúc tỷ lệ tiêm toàn dân đạt trên 70% dân số để tạo được miễn dịch cộng đồng lúc đó mới có thể yên tâm đi lại.
Tính đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam mới chỉ đạt 34.095.243 liều, trong đó tiêm một mũi là 27.577.472 liều, tiêm mũi hai là 6.517.771 liều, vẫn còn nhiều người chưa được tiêm. Những người đã được tiêm hai mũi vaccine tuy cơ bản bảo vệ bản thân trước SARS-CoV-2 nhưng vẫn có thể bị lây nhiễm bệnh. Họ trở thành nguồn lây nguy hiểm cho người khác, nhất là những người chưa được tiêm vaccine khi bản thân không có triệu chứng bệnh, lại chủ quan đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều.
Mới đây, trước tính chất phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.
Bởi vậy, khi các “vùng xanh” tại các địa bàn được nới lỏng thì quan trọng nhất mỗi cá nhân phải là một “vùng xanh” an toàn để phòng dịch hiệu quả, lâu dài. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch, nắm vững nguyên nhân gây bệnh, cơ chế lây bệnh, cách bảo vệ bản thân trước virus SARS-CoV-2 để thực hiện với tinh thần tự giác cao nhất, nghiêm túc nhất.
Hãy cân nhắc, gác lại các nhu cầu chưa thật sự quan trọng, cần thiết để tránh tụ tập. Bảo vệ bản thân không bị bệnh cũng chính là để bảo vệ gia đình, cộng đồng, góp phần thiết thực chung sức với Nhà nước chống dịch.
Ý kiến ()