Mỗi ngày cả nước mất hơn 5 ha rừng do cháy
Toàn cảnh buổi làm việc.
Hơn 13 nghìn vụ cháy trong bốn năm
Theo thống kê của Chính phủ, tính từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người và bị thương 823 người; gây thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỷ đồng và 6.400ha rừng. Như vậy, nếu tính trung bình thì mỗi ngày trên cả nước lại xảy ra chín vụ cháy, làm chết hoặc bị thương một người, gây thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng.
Đáng chú ý, trong số những trường hợp nêu trên, các vụ cháy nhà dân chiếm tới hơn 40%, nguyên nhân chủ yếu do không bảo đảm an toàn hệ thống điện (chiếm hơn 57%) hoặc sơ suất trong khi sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt (hơn 29%). Ngoài ra, số vụ cháy lớn tuy chỉ chiếm dưới 1%, nhưng lại gây tới hơn 76% tổng thiệt hại.
Trong giai đoạn 2014-2018, ngân sách đầu tư của cả nước cho công tác PCCC khoảng 8.341 tỷ đồng, trong đó hơn 58% đầu tư trang bị phương tiện PCCC. Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC được trang bị 2.227 xe các loại, 211 xuồng, ca-nô chữa cháy, 42 mô-tô chữa cháy, cứu hộ.
Mặc dù các phương tiện PCCC hiện đại chủ yếu tập trung các tỉnh, thành phố lớn và tổng số lượng phương tiện PCCC thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, lực lượng PCCC vẫn duy trì tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu. Theo đó, ước tính đã triển khai thực hiện khoảng 8.300 vụ cứu nạn, cứu hộ, cứu được hơn 4.600 người, bảo vệ lượng giá trị tài sản hơn 600 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, tình hình cháy và thiệt hại tuy cơ bản được kiềm chế nhưng lại có xu hướng tăng. Đặc biệt, những ngày vừa qua đã xảy ra những vụ cháy rừng nghiêm trọng trên diện rộng, kéo dài, đe dọa an toàn khu dân cư, công trình công cộng và đường dây truyền tải điện quốc gia. Đáng buồn là hầu hết các vụ cháy rừng đều bắt nguồn từ yếu tố con người, cụ thể là bất cẩn khi sử dụng lửa trong các hoạt động sản xuất, canh tác nương rẫy.
Tìm giải pháp căn cơ
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013 có hiệu lực, trong giai đoạn 2014-2018, Chính phủ đã ban hành chín Nghị định và hai Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành năm Quyết định, ba Chỉ thị, 11 Công điện, văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ. Ở thời điểm hiện tại, Bộ Công an vẫn đang tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng mới ba quy chuẩn và 22 tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC.
Tuy vậy, việc rà soát, bổ sung, chỉnh sửa hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật hiện vẫn còn chậm, nhất là đối với một số loại hình cơ sở mới như chung cư mini, nhà dân kết hợp ở và sản xuất – kinh doanh, nhà máy lọc hóa dầu, công trình nhiều tầng hầm, siêu cao tầng… Ngoài ra, một số dự án, công trình đặc thù phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài, nhưng nội dung lại chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm hạ tầng kỹ thuật của nước ta.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do nhận thức về trách nhiệm đối với công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở còn hạn chế. Công tác tuyên truyền thiếu hiệu quả, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân còn xem nhẹ các biện pháp an toàn PCCC cho dù trực tiếp liên quan đến tính mạng, tài sản chính mình cũng như của những người chung quanh.
Quá trình phát triển kinh tế – xã hội luôn song hành với sự gia tăng số lượng hàng hóa, vật tư, năng lượng, nhiên liệu, hóa chất, máy móc, dây chuyền sản xuất… đồng thời, kéo theo những nguy cơ, tiềm ẩn cháy nổ mới. Tới đây, việc mật độ dân cư tại các khu đô thị, thành phố gia tăng, số lượng dự án, công trình xây dựng, phương tiện giao thông, nhu cầu sử dụng năng lượng, khí đốt, hóa chất tiếp tục tăng nhanh… sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là diễn biến phức tạp của tình hình PCCC ở các khu chung cư cũ, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở xăng dầu, trở thành ẩn họa khôn lường nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp quyết liệt, căn cơ.
Ý kiến ()