Mối lo từ nhà trình tường ở Lộc Bình
LSO-Nhà trình tường là nét đặc trưng trong kiến trúc xây dựng của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ,… huyện Lộc Bình. Bên cạnh những ưu việt như mát mẻ về mùa hè, ấm áp trong mùa đông…thì nhà trình tường cũng đang là mối lo ngại cho người dân khi mùa mưa bão đến. Bởi hầu hết nhà trình tường được xây dựng đã lâu, nhiều nhà đã xuống cấp và đã có nhà đổ, gây thiệt hại về người.
Ngôi nhà trình tường của gia đình bà Lê Thị Ngái ở xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình đã xuống cấp |
Đứng trước hiên cửa, nhìn về về góc tường đã bị lở, có điểm đã thủng cả vào trong nhà, bà Lê Thị Ngái (sinh năm 1935), thôn Poọng Cáu, xã Tú Đoạn không khỏi lo âu, bà cho biết: ngôi nhà trình tường được gia đình bà xây dựng từ năm 1967, trải qua thời gian ngôi nhà đã xuống cấp, tường bị nứt, thủng, mái bị dột. Mỗi trận mưa to, gió lớn nước ngấm qua khe nứt trên tường vào nhà, bà lại nơm nớp nỗi lo sợ nhà sập. Gia đình bà cũng muốn xây dựng lại nhưng khổ nỗi hoàn cảnh khó khăn quá không có tiền để làm. Bà Ngái chia sẻ: bà từng là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Pháp, nay đã già yếu, hiện sống cùng một cô con gái và một cháu còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, không thể làm lại nhà được. Bà mong các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ xây lại nhà để gia đình yên tâm sinh sống. Ngay cạnh nhà bà Ngái, ngôi nhà trình tường được gia đình ông Nguyễn Văn Nghiêm xây dựng từ 1962, nay cũng đã xuống cấp, nhiều chỗ tường bị nứt to. Mùa mưa bão năm 2013, nhà ông bị tốc mái, sau đó khắc phục bằng cách mua tấm pờ rô xi măng về lợp. Để tránh nước ngấm vào nhà gây đổ, ông đã khơi rãnh xung quanh tường nhà để nước thoát. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, rãnh thoát nước được đào vét quanh nhà rất nhỏ, chỉ chừng khoảng 15cm đến 20cm, nếu mưa to thì không thể thoát kịp và nước ngấm qua chân tường vào nhà là điều khó tránh khỏi. Đặc điểm nhà trình tường được làm bằng đất, nếu nước ngập làm mềm chân tường sẽ gây sập, đổ nhà. Theo ông Tô Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Đoạn, toàn xã có 1.402 hộ. Trong đó, nhà trình tường chiếm khoảng 80%, và được xây dựng đã lâu, nhà xây gần đây nhất cũng được khoảng 20 năm, nhà xây lâu cũng lên tới trăm năm. Nhiều nhà bị nứt, dột, xuống cấp, đã có nhà bị sập, như mùa mưa bão năm 2013 đã có 7 nhà bị đổ (đều là nhà trình tường xuống cấp). Đặc biệt, trận mưa to, kéo dài vào tháng 3/2014 đã làm sập nhà khiến 2 người tử vong tại thôn Pò Thét. Nguyên nhân do là nhà trình tường xây dựng lâu năm đã xuống cấp, mưa lâu làm sập mái, tường.
Không chỉ ở xã Tú Đoạn, một số xã khác trên địa bàn huyện như xã Hữu Khánh, Tú Mịch,… đều có tình trạng nhà trình tường xây dựng lâu năm, bị xuống cấp, bị đổ. Ông Nông Văn Toàn, trưởng thôn Bản Khiếng, xã Hữu Khánh cho biết: thôn có 150 hộ, số hộ có nhà trình tường chiếm 2/3 và đều được xây dựng lâu năm. Những năm trước đây, do mưa lũ cũng đã làm sập 2 nhà, tuy nhiên do sơ tán kịp thời nên không gây thiệt hại về người. Tình trạng nhà trình tường, xuống cấp và bị tốc mái, sập đổ vào mùa mưa bão trên địa bàn huyện Lộc Bình ngày càng tăng trong vài năm gần đây. Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện, mùa mưa bão năm 2012 toàn huyện có 65 nhà bị tốc mái, không có nhà bị đổ, sập; năm 2013, toàn huyện có 1.361 nhà bị tốc mái, 37 nhà bị đổ, không có thiệt hại về người do nhà đổ. Bước sang năm 2014, vào tháng 3/2014, mưa kéo dài đã làm sập đổ một nhà chình tường ở xã Tú Đoạn, khiến 2 người từ vong; và trong cơn bão số 2 vừa qua, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến trưa ngày 22/7, đã có 33 nhà bị đổ, 22 nhà bị tốc mái. Đặc biệt, đã có một người tử vong do nhà sập tại thôn Nà Pá, xã Đông Quan. Được biết, những ngôi nhà bị đổ sập chủ yếu là nhà chình tường đã xuống cấp. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện cho biết: hàng năm, trong công tác PCLB&TKCN, huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các phương án nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiệt hại về người, tài sản đến mức thấp nhất cho người dân. Đối với các hộ nhà xuống cấp, nguy cơ sụp đổ, do không có nguồn kinh phí nên huyện chỉ chỉ đạo các xã rà soát và hỗ trợ một phần kinh phí cho một số gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn để tu sửa, xây dựng nhà. Còn lại, chủ yếu vẫn chú trọng khâu tuyên truyền, vận động nhân dân tự tu sửa, di dời, xây dựng mới khi nhà bị xuống cấp.
Có thể thấy, nhà trình tường ở Lộc Bình chiếm số lượng không nhỏ, là đặc trưng, bản sắc của các dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là nhiều ngôi nhà xây dựng lâu năm đã và đang xuống cấp, đã có nhà bị đổ sập và gây thiệt hại về người. Trong khi người dân một phần là do ý thức chủ quan trong việc phòng chống bão, lũ, một phần do hoàn cảnh khó khăn không đủ kinh phí để xây dựng mới. Và họ đang mong chờ sự quan tâm, giúp đỡ từ nhiều phía.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()