Mối lo "đảo rác thải"
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu SEAPLEX (Mỹ) vớt rác tại vùng biển Thái Bình Dương. Ảnh nbenews.com Ngoài lượng rác tại các bãi xử lý trong đất liền, rác thải trên biển cũng tác động nghiêm trọng đến kinh tế du lịch các nước ven biển, ảnh hưởng trực tiếp môi trường và hệ sinh thái. Thái Bình Dương, đại dương lớn nhất thế giới, đang "oằn lưng" gánh chịu lượng rác thải khổng lồ.Công ước LHQ về Luật Biển ký năm 1982 đã nêu rõ năm nguyên nhân gây ô nhiễm biển: Các hoạt động trên đất liền; thăm dò và khai thác tài nguyên tại thềm lục địa và đáy đại dương; thải các chất độc hại ra biển; vận chuyển hàng hóa trên biển và ô nhiễm không khí. Tại các khu vực ven biển Thái Bình Dương, số lượng rác thải trôi nổi đã tăng hàng trăm lần trong vòng 40 năm qua. Theo đánh giá của trang web news.com.au, trong số mười bãi biển ô nhiễm nhất thế giới, có bảy bãi biển thuộc khu vực Thái Bình Dương, nằm rải rác tại Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc. Các loại rác...
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu SEAPLEX (Mỹ) vớt rác tại vùng biển Thái Bình Dương. Ảnh nbenews.com |
Công ước LHQ về Luật Biển ký năm 1982 đã nêu rõ năm nguyên nhân gây ô nhiễm biển: Các hoạt động trên đất liền; thăm dò và khai thác tài nguyên tại thềm lục địa và đáy đại dương; thải các chất độc hại ra biển; vận chuyển hàng hóa trên biển và ô nhiễm không khí. Tại các khu vực ven biển Thái Bình Dương, số lượng rác thải trôi nổi đã tăng hàng trăm lần trong vòng 40 năm qua. Theo đánh giá của trang web news.com.au, trong số mười bãi biển ô nhiễm nhất thế giới, có bảy bãi biển thuộc khu vực Thái Bình Dương, nằm rải rác tại Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc. Các loại rác tại những bờ biển trên phần lớn là các sản phẩm nhựa và chất dẻo, gây nhiễm độc cho các sinh vật biển, nguồn hải sản, đe dọa sức khỏe con người với các chất gây ung thư. Rác tại các bờ biển này bị các dòng hải lưu tự nhiên, vốn vận động như một xoáy nước khổng lồ, gom thành những đảo rác nổi rộng hàng triệu km vuông, được ví như “châu lục thứ bảy”, nằm ở khu vực bắc Thái Bình Dương, giữa vùng biển Ha-oai và Bắc Mỹ.
Theo LHQ, khoảng 80% lượng rác trên biển Thái Bình Dương được thải trực tiếp từ đất liền, 10% là các loại lưới đánh cá vứt trôi nổi tự do, ước tính lên tới 705 nghìn tấn, phần còn lại là rác thải từ các hoạt động trên biển như giàn khoan dầu ngoài khơi và tàu chở hàng lớn. Cũng theo LHQ, mỗi năm có khoảng mười nghìn công-ten-nơ hàng hóa bị đắm trên biển, chứa nhiều đồ không phân hủy, ngoài thành phần chủ yếu là nhựa, còn có thủy tinh, kim loại và cao-su. Ngoài ra, xu hướng gia tăng việc rò rỉ dầu từ giàn khoan đã gây tác động xấu tới hoạt động của các loài sinh vật biển và làm ô nhiễm đáy biển. Số lượng các loài động vật biển chết vì dầu loang, hoặc vì nhầm lẫn giữa các loại rác thải và thức ăn thông thường đang tăng nhanh. Rùa biển thường nhầm giữa túi ni-lông và sứa, các loài chim biển nhầm các hạt nhựa công nghiệp với trứng cá, còn lưới đánh cá bỏ đi đã trở thành những chiếc bẫy nguy hiểm với hải cẩu và cá heo.
Đầu năm nay, các nhà khoa học Ô-xtrây-li-a đã cảnh báo, nếu các nước ngăn chặn mọi hoạt động thải rác ra biển ngay từ bây giờ, thế giới cũng phải mất khoảng năm trăm năm mới có thể ngăn chặn sự mở rộng của các bãi rác trên các đại dương. Theo ước tính của Chương trình Môi trường LHQ (UNDP), hiện nay lượng chất dẻo sản xuất trên toàn thế giới đã tăng từ năm triệu tấn năm 1950 lên 260 triệu tấn mỗi năm. Nghiên cứu của Viện Hải dương Mỹ cho biết, ở khu vực bắc Thái Bình Dương, trung bình một mét khối nước biển chứa mười mảnh chất dẻo khác nhau, cao hơn 100 lần so với số liệu thu được năm 1972. Lượng rác chất dẻo ở độ sâu từ 5 đến 30 mét so với ở độ sâu từ ba đến bốn mét cao hơn từ 2,5 tới 27 lần. Tình trạng này tạo điều kiện cho côn trùng biển tăng đột biến, gây tác động tiêu cực lên toàn bộ hệ sinh thái tại đây.
Nhằm đối phó tình trạng trên, một nhóm các nhà khoa học Ô-xtrây-li-a đã tiến hành các biện pháp thiết thực, như lập sơ đồ vị trí rác thải; tìm hiểu, phân loại khu vực sinh sống và kiếm ăn của một số loài động vật biển trong khu vực “đảo rác thải”. Ngoài ra, những nhà nghiên cứu này còn tìm kiếm nguồn gốc các loại rác nhằm tìm ra biện pháp thiết thực ngăn chặn việc rác được thải trực tiếp ra biển. LHQ cũng đã kêu gọi các nước tích cực thu gom rác chất dẻo thông qua hệ thống mang tên “tín dụng bắt buộc”, theo đó, người xả rác thải chất dẻo phải trả phí cao. Đức, Hà Lan và một số nước khu vực Bắc Âu đã áp dụng thành công hệ thống này, kết quả có tới 95% lượng rác chất dẻo đã được thu gom và tái xử lý. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy vấn đề rác thải tại Thái Bình Dương đang dần được giải quyết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()