Mỗi hộ dân là một “đồn biên phòng”
Xe chở nhựa thông chờ xuất tại cửa khẩu Bản Chắt (Đình Lập) |
Đoạn biên giới thuộc hai thôn Bản Phải và Bản Thín từ mốc 1229 đến 1249 (mốc mới) xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình một thời là điểm nóng về an ninh biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Để giữ vững chủ quyền biên giới, người dân và chính quyền nơi đây cùng với lực lượng biên phòng đã có nhiều phương án đấu tranh khôn khéo ngăn cản hiệu quả các hành vi vi phạm chủ quyền của phía bên kia, vừa giữ đất vừa phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Ông Vi Văn Sạch, 84 tuổi trú tại thôn Bản Thín, xã Tú Mịch được giao quản trên 5 ha đất đồi rừng khu vực mốc 1235-1236 địa phận xã Tú Mịch nói: mảnh đất biên giới đã ăn vào máu thịt, mắt có nhắm lại mà đi thì vẫn biết rõ là đất nào thuộc khu vực biên giới.
Còn ông Hoàng Văn Cảo, 50 tuổi, thôn Bản Thín nhận giao quản 1,5 ha đất đồi rừng từ năm 1997 thuộc khu vực cột mốc 1249 cho biết: sau khi nhận giao quản đoạn đường biên, gia đình còn cùng lực lượng biên phòng triển khai dự án trồng rừng thông 661 từ năm 1998, diện tích rừng đã cho khai thác hơn 2 năm nay, mỗi năm thu nhựa được 40 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống của gia đình ngày càng khá hơn, căn nhà rộng 80 m2 mới được xây đạt “3 cứng” cũng từ rừng thông do biên phòng hỗ trợ triển khai mà có.
Chính từ sự gắn kết máu thịt của bà con đối với mảnh đất vùng biên và để bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng cho bà con yên tâm lao động sản xuất, lực lượng chuyên trách cùng chính quyền địa phương và người dân thường xuyên có các phương án hiệp đồng cảnh giới phòng ngừa hiệu quả. Vì thế, người dân Bản Thín nói riêng và nhân dân các thôn giáp biên thuộc 5 huyện biên giới tỉnh Lạng Sơn như được tiếp lửa trong việc quản lý bảo vệ đường biên giới thời gian qua.
Việc triển khai giao quản đường biên, cột mốc tại các xã biên giới tỉnh Lạng Sơn rất hiệu quả trong nhiều năm qua kể cả khi chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, là bởi các chính sách của nhà nước đã gắn trách nhiệm quản lý đường biên với quyền lợi của người dân tại khu vực. Trong giai đoạn 2003-2013, bà con nhân dân tại khu vực giáp biên đã cung cấp cho lực lượng chuyên trách đứng chân trên địa bàn hàng nghìn tin tức có giá trị về tình hình các khu vực đường biên, cột mốc. Qua đó lực lượng chuyên trách đã có các đối sách đấu tranh hiệu quả.
Các CCB Trung Đoàn 123 thăm lại mốc giới 1223 tại Chi Ma (Lộc Bình) |
Đại tá Từ Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cho biết: việc giao quản cột mốc cho các hộ dân biên giới đã giúp cho công tác quản lý bảo vệ đường biên được chủ động, mọi thông tin từ biên giới được cập nhật và xử lý nhanh, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Ngoài ra, cùng với các dự án phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư tại khu vực biên giới phát huy hiệu quả đã giúp người dân ổn định cuộc sống và làm giàu ngay tại nơi phên giậu của tổ quốc.
Ý kiến ()