Mỗi địa phương thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà hỗ trợ hộ nghèo cải thiện chỗ ở
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương.
Tại Nghị quyết số 109/NQ-CP về việc thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng: “Khẩn trương soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định cụ thể đối tượng, định mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chi hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát sử dụng nguồn chi từ Quỹ và các quy định liên quan đến tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ sử dụng nguồn chi hỗ trợ từ Quỹ đảm bảo chặt chẽ, không trùng lắp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.”
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn về tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát làm căn cứ xác định đối tượng hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 102/CĐ-TTg về đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà tạm, nhà dột nát nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền để các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng xây dựng nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.
Trên tinh thần của Công điện 102, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số nội dung. Cụ thể như việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương (kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu) và đảm bảo các tiêu chí về quy mô diện tích, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng.
Yêu cầu về tuổi thọ căn nhà phải từ 20 năm trở lên và có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2. Riêng đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, diện tích nhà không thấp hơn 18m2. Các mẫu nhà đều phải đảm bảo “3 cứng” (nền-móng cứng, khung-tường cứng, mái cứng) và có đầy đủ công năng sử dụng.
Các bộ phận nền-móng, khung-tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy, Bộ Xây dựng thông tin. Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương có giải pháp về kiến trúc nhà ở phù hợp, khai thác được nét đẹp về văn hóa, phong tục, tập quán và đặc điểm riêng của địa phương (nếu có), góp phần làm đẹp diện mạo khu vực nông thôn mới. Đồng thời, tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn; tôn trọng nguyện vọng của người dân, không bắt buộc các hộ gia đình xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu.
“Tùy theo điều kiện cụ thể người dân có thể xây dựng theo kinh nghiệm, truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình, nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định,” Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên thực tế vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong cả nước cần hỗ trợ về nhà ở. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên cả nước là 1.586.336 hộ; trong đó, có khoảng 315.000 hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở. Như vậy, dự kiến số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở trên cả nước rất lớn.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng nhập cuộc tham gia triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hết năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới.
Để thực hiện kế hoạch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu tổ chức Phong trào thi đua, triển khai sâu rộng với các nội dung thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Thời gian thực hiện từ 16/9/2024 đến tháng 12/2025.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc, thành phố sẽ phấn đấu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có đủ điều kiện trước ngày 30/4/2025.
Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh là tuyên truyền tốt để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua. Đồng thời, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng các điển hình, tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào thi đua này.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động phối hợp, thực hiện các quy chuẩn, quy trình, quy định và tuân thủ đúng pháp luật trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở đúng đối tượng, chất lượng, thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tương tự, tỉnh Thái Bình cũng đang huy động, kêu gọi các nguồn lực xã hội chung tay phấn đấu đến tháng 9.2025 sẽ xóa 100% nhà tạm, nhà dột cho hộ nghèo, cận nghèo. Đây cũng là quyết tâm lớn của địa phương trong việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ở Thái Bình.
Theo thống kê, tỉnh Thái Bình hiện còn hơn 11.900 hộ nghèo và trên 12.580 hộ cận nghèo; trong đó có hơn 2.100 hộ có khó khăn về nhà ở. Trong số hơn 2.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, có hơn 1.100 hộ cần xây mới, 942 hộ cần sửa chữa với tổng kinh phí trên 245 tỷ đồng.
Thực hiện phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu phát huy tối đa các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình này. Thái Bình dự kiến hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ xây dựng mới nhà, 50 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà ở từ nguồn quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chia sẻ tinh thần “tương thân, tương ái” đã trở thành nét đẹp văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp, doanh nhân có thể đăng ký ủng hộ chương trình qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh hoặc trực tiếp xây dựng nhà cho người dân.
Hiệp hội thường xuyên tổng hợp số lượng đăng ký báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình để đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Ngay sau lễ phát động, đã có hơn 20 doanh nghiệp đã đăng ký ủng hộ thực hiện chương trình với số tiền 3,8 tỷ đồng.
Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Đối với mỗi gia đình, nhà ở là tài sản có giá trị rất lớn. Trong điều kiện nền kinh tế còn chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, việc tự tạo lập nhà ở tương đối khang trang, chắc chắn là vấn đề khó khăn đối với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát là rất cần thiết và đang lan tỏa, triển khai quyết liệt tại nhiều địa phương. Thông qua Chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời nâng cao mức sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội;, tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người và giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở./.
Ý kiến ()