Mối đe dọa khủng bố từ cuộc khủng hoảng ở Ma-li
Lực lượng nổi dậy Hồi giáo kiểm soát miền bắc Ma-li. Ảnh AFP Cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ma-li trở thành điểm nóng tại khu vực Tây Phi bởi vùng đất phía bắc nước này đang là nơi "nuôi dưỡng" các phần tử khủng bố, đe dọa khu vực Xa-hen, Bắc Phi, châu Phi và cả vùng Địa Trung Hải. Đây là vấn đề làm đau đầu không chỉ các nhà lãnh đạo châu Phi mà cả các nước phương Tây, đối tượng luôn bị các phần tử khủng bố nhắm tới.Xung đột bùng nổ dữ dội ở miền bắc Ma-li giữa các lực lượng chính phủ và các nhóm quân nổi dậy Tua-rếch kể từ cuối năm ngoái. Cuộc đảo chính hồi tháng 3 vừa qua đã biến Ma-li, nước vốn được đánh giá có một nền dân chủ kiểu mẫu ở châu Phi, thành vùng lãnh thổ bị xâu xé bởi các nhóm phiến quân đang tranh giành nhằm chiếm đóng khu vực miền bắc. Lợi dụng tình hình không kiểm soát tại Thủ đô Ba-ma-cô ở miền nam sau cuộc đảo chính, nhóm phiến quân An-xa Đin của người Tua-rếch đã bao vây và nắm quyền...
Lực lượng nổi dậy Hồi giáo kiểm soát miền bắc Ma-li. Ảnh AFP |
Xung đột bùng nổ dữ dội ở miền bắc Ma-li giữa các lực lượng chính phủ và các nhóm quân nổi dậy Tua-rếch kể từ cuối năm ngoái. Cuộc đảo chính hồi tháng 3 vừa qua đã biến Ma-li, nước vốn được đánh giá có một nền dân chủ kiểu mẫu ở châu Phi, thành vùng lãnh thổ bị xâu xé bởi các nhóm phiến quân đang tranh giành nhằm chiếm đóng khu vực miền bắc. Lợi dụng tình hình không kiểm soát tại Thủ đô Ba-ma-cô ở miền nam sau cuộc đảo chính, nhóm phiến quân An-xa Đin của người Tua-rếch đã bao vây và nắm quyền kiểm soát ở miền bắc Ma-li. Nhóm Hồi giáo này chiếm giữ mảnh đất vùng cao và công khai liên kết với nhánh An Kê-đa ở Bắc Phi (AQIM), không cho người Tua-rếch nắm quyền tại đây. Lực lượng phiến quân Hồi giáo An-xa Đin đã đuổi người sắc tộc Tua-rếch ra khỏi các thị trấn chủ chốt, áp đặt luật Hồi giáo hà khắc. Trong khi đó, cuộc đảo chính cũng mở đường cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng A-da-oát (MNLA) của người Tua-rếch ly khai lợi dụng tình hình không kiểm soát để chiếm đóng các thành phố quan trọng ở miền bắc Ma-li và tuyên bố thành lập một nhà nước A-da-oát, vùng đất trải dài từ miền tây lên miền bắc Ma-li, phía bắc sông Ni-giê. Khoảng 10% trong số 15 triệu người Ma-li sinh sống ở khu vực này hiện phải đối mặt căng thẳng gia tăng giữa MNLA và các nhóm vũ trang khác như An-xa Đin.
Cộng đồng người du mục, với khoảng 1,5 triệu người Tua-rếch, xuất thân từ các bộ lạc khác nhau và sống rải rác giữa Ni-giê, Ma-li, An-giê-ri, Li-bi và Buốc-ki-na Pha-xô. Điểm đáng chú ý, nhóm quân nổi dậy Tua-rếch từng trốn khỏi Ma-li từ những năm 90, thế kỷ 20 để tham gia quân đội Li-bi dưới thời nhà lãnh đạo Li-bi Ca-đa-phi. Sau khi chế độ Ca-đa-phi ở Li-bi bị lật đổ năm ngoái, các cựu binh Li-bi trở về gia nhập lực lượng nổi dậy Tua-rếch. Sự bất ổn ở Ma-li dẫn đến các cuộc xung đột tiếp theo cũng như xuất hiện nhiều nhóm vũ trang trong khu vực Xa-hen của châu Phi, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng ở Ma-li, kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 3 làm hơn 320 nghìn người Ma-li phải chạy nạn. Theo các cơ quan tình báo phương Tây, các chiến binh An Kê-đa ở Bắc Phi đang duy trì quan hệ mật thiết với các lực lượng nổi dậy Tua-rếch tại vùng lãnh thổ mà các nhóm này chia nhau kiểm soát kể từ năm 2000. Trong khi đó, cả một dải đất Xa-hen rộng lớn, với phần diện tích thuộc bốn nước An-giê-ri, Ni-giê, Ma-li và Mô-ri-ta-ni, sẽ trở thành một căn cứ địa mới cho các hoạt động khủng bố. Khu vực cận Xa-ha-ra được so sánh với Áp-ga-ni-xtan. Sự quản lý của các chính quyền địa phương yếu kém, trong khi kinh tế nông nghiệp nông thôn tại các nước khu vực này luôn hứng chịu hậu quả nghiêm trọng của hạn hán và đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực triền miên. Đói nghèo đã tạo điều kiện cho khủng bố phát triển. Các nước Liên minh A-rập Bắc Phi (UMA) coi khủng bố, tội phạm có tổ chức, nạn di cư bất hợp pháp, các nhóm tội phạm vũ trang, tài trợ khủng bố dưới mọi hình thức và rửa tiền là các mối đe dọa đối với khu vực. Gần đây, các tay súng Hồi giáo An-xa Đin còn phá hủy nhiều di tích lịch sử và tôn giáo ở TP Tim-búc-tu của Ma-li, ngay sau khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đưa các di tích này vào danh sách các di sản thế giới có nguy cơ bị hủy hoại. Tình trạng “vô chính phủ” khiến các phần tử Hồi giáo thách thức bất cứ quốc gia nào có ý định can thiệp quân sự Ma-li.
Trước những diễn biến phức tạp ở Ma-li đang đe dọa an ninh khu vực, Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) kêu gọi Ma-li cho phép hành động can thiệp quân sự do LHQ hậu thuẫn, nhằm giành lại khu vực miền bắc nước này. Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết sẵn sàng triển khai lực lượng ổn định tình hình của LHQ đến miền Tây Ma-li, đồng thời yêu cầu các nhóm nổi dậy ở nước này ngừng ngay lập tức các hành động thù địch. Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi các nước thành viên LHQ thực hiện các biện pháp ngăn chặn phổ biến tất cả các loại vũ khí ở khu vực Xa-hen, kêu gọi các nước tăng cường hợp tác khu vực để phát triển chiến lược, chống các hoạt động của AQIM vốn đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()