Mối đe dọa hiện hữu đối với Eurozone
Tại một điểm phát thực phẩm cứu trợ ở Thủ đô A-ten, Hy Lạp. ( Ảnh: ROI-TƠ )Cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kéo dài là mối lo ngại lớn trên toàn cầu. Trước những cảnh báo về nguy cơ tan vỡ của Eurozone, các nhà hoạch định chính sách ở khu vực này đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm kìm giữ thị trường tài chính. Tuy nhiên, mối đe dọa đối với Eurozone vẫn hiện hữu.Trong báo cáo mới đây về triển vọng kinh tế toàn cầu, cơ quan dự báo phân tích và đánh giá rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Nhà kinh tế (Anh) nhận định, bất chấp những nỗ lực được các nước thuộc Eurozone và Liên hiệp châu Âu (EU) thực hiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone, mối đe dọa đối với đồng ơ-rô vẫn hiện hữu và cảnh báo, nếu có một cú sốc xảy ra, thí dụ như khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ, cả khu vực có thể bị chìm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.Trước bối cảnh trên, các nhà chính trị hàng đầu của...
Tại một điểm phát thực phẩm cứu trợ ở Thủ đô A-ten, Hy Lạp. ( Ảnh: ROI-TƠ ) |
Trong báo cáo mới đây về triển vọng kinh tế toàn cầu, cơ quan dự báo phân tích và đánh giá rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Nhà kinh tế (Anh) nhận định, bất chấp những nỗ lực được các nước thuộc Eurozone và Liên hiệp châu Âu (EU) thực hiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone, mối đe dọa đối với đồng ơ-rô vẫn hiện hữu và cảnh báo, nếu có một cú sốc xảy ra, thí dụ như khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ, cả khu vực có thể bị chìm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Trước bối cảnh trên, các nhà chính trị hàng đầu của châu Âu đã công khai nói về nguy cơ tan vỡ của Eurozone. Lâu nay, dư luận mới chỉ đề cập khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone, nhưng nay “tiếng chuông” về nguy cơ tan vỡ của liên minh tiền tệ này đã được cảnh báo. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan E.Tu-ô-mi-ô-gia nêu rõ, nhiều nhà chính trị châu Âu thất vọng trước những nỗ lực giải cứu Eurozone khiến Phần Lan càng hoài nghi hơn về khả năng Eurozone vượt qua cơn “bĩ cực” này. Ông E.Tu-ô-mi-ô-gia cho biết, Phần Lan đang khẩn cấp chuẩn bị cho tình huống Eurozone sụp đổ.
Tại Phần Lan, các nhà chính trị nước này đang tranh cãi về việc liệu hiện nay Phần Lan có phải là một trong những chiếc “phao cứu sinh” của khu vực Eurozone hay không và điều đó sẽ làm nền kinh tế của nước này tiếp tục bị suy yếu. Là một trong những nước sáng lập Eurozone, Phần Lan được coi là thành viên mẫu mực và là một trong số ít các nước thuộc Eurozone đứng ở tốp đầu về niềm tin tín dụng. Tuy nhiên, do phải cung cấp tài trợ cho các nước Eurozone bị khủng hoảng, trong lúc Hen-xin-ki lại là đối tác mạnh của các nước ở miền nam châu Âu “ốm yếu” đã làm mức tăng trưởng của nền kinh tế nước này bị giảm sút. Và hậu quả là niềm tin tiêu dùng của người Phần Lan trong tháng 7 vừa qua đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Để giải quyết tình trạng này, mới đây Thủ tướng Phần Lan G.Ka-tai-nen khẳng định, Hen-xin-ki muốn tích cực tham gia giải quyết sớm cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone. Hiện nay, người dân Phần Lan đang nhìn sang các nước láng giềng ở Bắc Âu với vẻ “ghen tị”. Lý do là các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch (không phải là thành viên Eurozone) đều đạt mức tăng trưởng kinh tế khả quan và giá trị các đồng tiền của ba nước này cải thiện rất nhiều so với đồng ơ-rô trong 12 năm qua.
Trước tình hình trên, tuyên bố tại Hội nghị thanh niên diễn ra ngày 19-8 ở I-ta-li-a, Thủ tướng nước này M.Môn-ti kêu gọi, không được để đồng ơ-rô trở thành nhân tố chia rẽ miền bắc châu Âu với các nước đang khốn đốn vì khủng hoảng nợ công ở miền nam châu lục này. Thủ tướng Môn-ti nêu rõ, thảm họa lớn nhất đối với I-ta-li-a nói riêng và châu Âu nói chung là phải chứng kiến đồng ơ-rô trở thành nhân tố khơi dậy những định kiến giữa miền bắc và miền nam châu Âu và ngược lại. Ông đồng thời khẳng định nguy cơ này đang hiện hữu. Trước đó, ông Môn-ti lưu ý những nước còn lại trong Eurozone rằng, I-ta-li-a cần một môi trường linh hoạt trên các thị trường mới có cơ hội thoát khỏi bờ vực khủng hoảng nợ công và thoát khỏi nguy cơ lây nhiễm “dịch bệnh” này từ các nước thành viên yếu kém hơn như Tây Ban Nha.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của Eurozone, các nhà hoạch định chính sách của khu vực này đang đẩy mạnh những nỗ lực để kìm giữ thị trường tài chính tránh khỏi nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Trong một tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Đức A.Méc-ken đã lên tiếng ủng hộ chiến lược đối phó khủng hoảng của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) M.Đra-ghi, đồng thời thúc giục các nước châu Âu khác nhanh chóng hội nhập chặt chẽ hơn trong các chính sách tài chính. Trước đó, ông M.Đra-ghi đã đề cập khả năng mua trái phiếu của những nước mang gánh nợ lớn như Tây Ban Nha và I-ta-li-a. Tuyên bố nói trên của bà A.Méc-ken được đưa ra trước thềm một loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu trong những ngày tới, nhằm tìm kiếm một giải pháp dài hạn và ổn định cho cuộc khủng hoảng nợ kéo dài hai năm rưỡi qua ở Eurozone.
Mặc dù nhiều nỗ lực đang được đẩy mạnh nhằm chạy đua với thời gian để “cứu” đồng ơ-rô đang “lâm nguy”, tuy nhiên dư luận vẫn “thiếu niềm tin” về triển vọng sớm phục hồi của Eurozone. Nhất là trong lúc các nước EU và Eurozone vẫn bị chia rẽ về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong đó, Đức và Pháp, hai nền kinh tế chủ chốt của khu vực vẫn bất đồng về nhiều biện pháp, từ việc phát hành trái phiếu chung của Eurozone cho đến việc thành lập liên minh tài chính hay khả năng trao cho Ủy ban châu Âu (EC) quyền lực can thiệp lớn hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()