Mối đe dọa hiện hữu
Ngày 6-8, Nhật Bản tổ chức Lễ tưởng niệm 78 năm Ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống TP Hiroshima. Theo Kyodo News, lễ tưởng niệm có sự tham dự của khoảng 50.000 người, trong đó có các đại diện đến từ Liên minh châu Âu (EU) và 111 quốc gia-một con số cao kỷ lục.
AFP cho biết, những người tham dự lễ tưởng niệm đã cùng cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ ném bom cũng như kêu gọi hòa bình cho thế giới.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thủ tướng Kishida Fumio nêu rõ, Nhật Bản-quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong chiến tranh-sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một thế giới phi hạt nhân. Cho rằng nỗ lực này ngày càng gặp nhiều khó khăn do mối đe dọa hạt nhân hiện hữu cũng như sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế liên quan tới việc giải trừ hạt nhân, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, việc “hồi sinh động lực quốc tế” hướng tới hiện thực hóa một thế giới phi hạt nhân “càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”. Trong Sách trắng Quốc phòng 2023 được công bố vừa qua, Nhật Bản cũng tái khẳng định cam kết duy trì 3 nguyên tắc phi hạt nhân, gồm: Không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân tồn tại trên lãnh thổ Nhật Bản. “Sự tàn phá mà vũ khí hạt nhân gây ra cho TP Hiroshima và Nagasaki không bao giờ được lặp lại”, AFP dẫn lời Thủ tướng Kishida.
Lễ tưởng niệm 78 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima. Ảnh: AP |
Kyodo News cho biết, tại lễ tưởng niệm, ông Kazumi Matsui, Thị trưởng TP Hiroshima nhấn mạnh cần phải từ bỏ thuyết răn đe bằng vũ khí hạt nhân. Ông Kazumi Matsui kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có những bước đi cụ thể ngay lập tức để “dẫn dắt chúng ta thoát khỏi bối cảnh nguy hiểm hiện nay, hướng đến thế giới lý tưởng của chúng ta”.
Trong một thông điệp gửi tới lễ tưởng niệm, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nêu rõ, sự ngờ vực và chia rẽ giữa các quốc gia đang gia tăng. “Bóng đen” hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đã xuất hiện trở lại. Trước mối đe dọa như vậy, cộng đồng quốc tế cần phải đồng lòng. Mọi hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân đều không thể chấp nhận được. Cách duy nhất để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân chính là loại bỏ vũ khí hạt nhân. “LHQ sẽ tiếp tục hợp tác cùng các nhà lãnh đạo thế giới để tăng cường nỗ lực giải trừ và không phổ biến hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta sẽ không ngơi nghỉ chừng nào “bóng đen” hạt nhân chưa được loại bỏ vĩnh viễn. Giải trừ hạt nhân là con đường duy nhất dẫn đến một thế giới an toàn hơn cho tất cả chúng ta… LHQ mong đợi được hợp tác với người dân Nhật Bản trong nỗ lực quan trọng này”, ông Guterres khẳng định.
Theo AFP, cách đây 78 năm, vào ngày 6-8-1945, Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử xuống TP Hiroshima, khiến 140.000 người thiệt mạng. Tới ngày 9-8-1945, Mỹ lại ném một quả bom nguyên tử xuống TP Nagasaki, cướp đi sinh mạng của 74.000 người. Ước tính, tới đầu năm nay, thế giới có khoảng 12.512 đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của 9 quốc gia, gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Trong báo cáo hồi tháng 3-2023, Tổ chức phi chính phủ People’s Aid (Na Uy) cho biết, trong số này có 9.576 đầu đạn hạt nhân ở trạng thái “sẵn sàng được sử dụng” (tăng thêm 136 đầu đạn hạt nhân so với con số 9.440 vào đầu năm 2022), có sức hủy diệt lớn hơn 135.000 quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) nhận định, kỷ nguyên giải trừ hạt nhân “dường như sắp đến hồi kết” và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/moi-de-doa-hien-huu-737600
Ý kiến ()