Mối đe dọa gia tăng
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Al Jazeera cho biết giới phân tích ngày càng lo ngại tình trạng bạo lực vốn tàn phá nhiều quốc gia thuộc khu vực Sahel của châu Phi như Burkina Faso và Mali đang có nguy cơ lan rộng sang các quốc gia nhỏ ven biển ở Tây Phi.
Benin lâu nay được xem là tương đối an toàn trước cuộc khủng hoảng an ninh khiến nhiều nước láng giềng phía Bắc thuộc khu vực Sahel phải điêu đứng trong gần một thập niên qua. Thế nhưng, Al Jazeera cho biết, sự lo ngại đã gia tăng trong bối cảnh nhiều nhóm vũ trang cực đoan tại các quốc gia không giáp biển thuộc Sahel mở rộng hoạt động sang các quốc gia ven biển ở Tây Phi.
Hồi tháng trước, Tổng thống Benin Patrice Talon cam kết chính phủ sẽ “quyết tâm và cảnh giác hơn nữa” trước các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng. Phát biểu của Tổng thống Patrice Talon được đưa ra sau khi quân đội Benin cho biết hai binh sĩ đã thiệt mạng và một số người khác bị thương khi các tay súng tấn công vào một địa điểm quân sự tại vùng Atacora ở miền Bắc nước này, gần biên giới với Burkina Faso.
Lực lượng an ninh Bờ Biển Ngà sơ tán người dân khỏi hiện trường vụ tấn công do al-Qaeda tiến hành hồi năm 2016. Ảnh: Reuters |
Nhóm thánh chiến Jama’at Nusrat al-Islam wal-Muslimin (JNIM) có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đã đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công.
Theo nhà nghiên cứu Michael Matongbada thuộc Viện Nghiên cứu an ninh châu Phi có trụ sở tại Pretoria (Nam Phi), vụ việc hiếm thấy ở Atacora là cuộc tấn công đầu tiên mà một nhóm vũ trang đứng ra nhận trách nhiệm tại Benin.
“Việc các nhóm vũ trang mở rộng ra khỏi phạm vi hoạt động và ảnh hưởng ban đầu ở khu vực Sahel là một thực tế cần phải thừa nhận”, nhà nghiên cứu Matongbada nhấn mạnh.
Việc mở rộng ấy ảnh hưởng không chỉ mỗi Benin. Một số quốc gia ven biển khác tại Tây Phi đang phải đối mặt với số lượng ngày càng gia tăng các cuộc tấn công ở khu vực biên giới, làm dấy lên lo ngại về việc các nhóm vũ trang có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda mở rộng phạm vi hoạt động.
Vừa qua, người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại của Pháp Bernard Emie cho biết, các tay súng có liên hệ với al-Qaeda đang có kế hoạch gia tăng các cuộc tấn công tại Benin và Bờ Biển Ngà. Năm ngoái, 7 nhân viên an ninh Bờ Biển Ngà đã thiệt mạng trong 5 cuộc tấn công riêng rẽ ở miền Bắc nước này.
Một năm trước đó, một cuộc tấn công xuyên biên giới cướp đi sinh mạng của 14 nhân viên an ninh cũng đã xảy ra tại miền Bắc Bờ Biển Ngà. Theo Al Jazeera, tuy không có nhóm vũ trang nào đứng ra nhận trách nhiệm, song vụ tấn công “là một lời nhắc nhở choáng váng” với Bờ Biển Ngà rằng quốc gia này vẫn là một mục tiêu tấn công chính mặc dù an ninh đã được thắt chặt sau vụ tấn công do al-Qaeda tiến hành hồi năm 2016, khiến 19 người thiệt mạng.
Togo cũng đang đặt trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ các nhóm thánh chiến xâm nhập. Lực lượng an ninh Togo cho biết, hồi tháng 11 năm ngoái đã chặn đứng một cuộc tấn công của các tay súng vốn xâm nhập qua khu vực biên giới với Burkina Faso.
Đây là cuộc đối đầu trực diện đầu tiên giữa lực lượng an ninh Togo với các tay súng kể từ khi nước này triển khai hàng trăm binh sĩ tới khu vực biên giới giáp Burkina Faso và Benin hồi năm 2018.
Giới phân tích cho rằng xâm nhập các quốc gia ven biển ở Tây Phi mang lại những lợi ích quan trọng cho các nhóm vũ trang tại Burkina Faso và Mali, như nguồn cung ứng lương thực và trang thiết bị mới cũng như nguồn thu mới từ hoạt động bạo lực.
Theo nhà nghiên cứu Kars de Bruijne thuộc Viện Quan hệ quốc tế Clingendael của Hà Lan, việc giành lợi thế tại Sahel có thể là một lý do khác để các nhóm vũ trang mở rộng hoạt động xuống phía Nam.
“Các nhóm vũ trang tìm cách ngăn cản việc tập trung sức mạnh quân sự của các quốc gia Tây Phi và các đối tác phương Tây. Đây có thể được hiểu như một kiểu chiến lược bán du kích làm phân tán các lực lượng của đối phương. Do đó, các cuộc tấn công ở khắp mọi nơi nhằm ngăn chặn các chiến dịch quân sự quy mô lớn”, nhà nghiên cứu Bruijne nhấn mạnh.
Tại nhiều vùng rộng lớn ở Sahel, các nhóm vũ trang đã lợi dụng tình trạng thiếu bộ máy quản lý của chính phủ, chia rẽ sắc tộc, đói nghèo… để chiếm đoạt lãnh thổ và áp đặt sự cai trị. Theo Al Jazeera, giới phân tích cho rằng “tình trạng dễ bị tổn thương tương tự” cũng hiện diện tại nhiều nơi thuộc các quốc gia ven biển ở Tây Phi, do đó nguy cơ gia tăng bạo lực ngày càng lớn.
Hồi năm 2017, Benin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Ghana và Togo đã hình thành sáng kiến Accra, theo đó nhất trí tăng cường hợp tác an ninh khu vực nhằm ngăn chặn bạo lực lan rộng cũng như các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Burkina Faso cho biết hồi tháng 11 năm ngoái, quân đội nước này đã tiến hành một chiến dịch quân sự chung kéo dài 5 ngày với Bờ Biển Ngà, Ghana và Togo, bắt giữ hơn 300 tay súng tình nghi, thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược, phương tiện và ma túy.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Marc-Andre Boisvert thuộc Trung tâm nghiên cứu FrancoPaix (Canada) tin rằng các quốc gia ven biển ở Tây Phi vẫn dễ bị tổn thương chừng nào còn tiếp tục xem các nhóm vũ trang cực đoan chỉ là vấn đề an ninh, bỏ qua “các vấn đề mà có thể bị các tay súng lợi dụng”.
Ý kiến ()