Không phải đến bây giờ vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên mới được đặt ra. Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, chống những thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại và ngoài xã hội ảnh hưởng vào Đảng.Từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng ta có nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết T.Ư 6 lần 2, khóa VIII đã chỉ rõ: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn" (1). Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng" (2). Như vậy là từ "một bộ phận" đã lan ra...
Không phải đến bây giờ vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên mới được đặt ra. Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, chống những thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại và ngoài xã hội ảnh hưởng vào Đảng.
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng ta có nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết T.Ư 6 lần 2, khóa VIII đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn” (1). Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng” (2). Như vậy là từ “một bộ phận” đã lan ra “một bộ phận không nhỏ” và đến Hội nghị T.Ư 4, khóa XI, Đảng lại chỉ ra rằng, tình trạng ấy không chỉ ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà “trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này ? Câu trả lời đã có đầy đủ trong các nghị quyết của Đảng với tư tưởng chỉ đạo sát sao, với những giải pháp đưa ra khá cụ thể. Nhưng việc tổ chức thực hiện kém hiệu quả, nhiệm vụ nghị quyết nêu ra không trở thành hiện thực. Bốn nhóm giải pháp mà Nghị quyết T.Ư 4: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, nêu lên không phải hoàn toàn mới, nhưng cái mới dễ thấy ở đây là đòi hỏi một quyết tâm cao hơn, cách làm quyết liệt hơn để mang lại những hiệu quả thật sự trong việc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, thì mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, phải hành động thật sự, phải tự chỉnh đốn để nêu gương cho tập thể, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ nói mà không làm sẽ không tạo được chuyển biến, không mang lại kết quả thiết thực. Nhân dân đang kỳ vọng, trông chờ và bày tỏ niềm tin ở Đảng, ở mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu kết quả lần này cũng như khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 lần 2, khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là “chưa đạt yêu cầu đề ra”, thì lòng tin của nhân dân với Đảng sẽ một lần nữa giảm sút. Như vậy thật là nguy hại cho sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được biểu hiện khác nhau, như sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Chính sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống; và sự suy thoái về đạo đức, lối sống càng làm cho cán bộ, đảng viên xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Hai sự suy thoái ấy gắn liền với nhau và trở thành nguy cơ cực kỳ nguy hiểm. Song, dư luận xã hội đang tập trung nhiều hơn vào sự suy thoái về đạo đức, lối sống, chưa nhận thức đầy đủ nguy hại của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đây mới là căn nguyên sâu xa của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Những căn bệnh ấy không chỉ diễn ra ở cán bộ lãnh đạo, có chức, có quyền như nhiều người thường nghĩ, mà có thể tồn tại trong bất kỳ cán bộ, đảng viên nào không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng. Vì thế, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải soi lại mình, tự kiểm điểm, tự đánh giá về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của bản thân; chân thành lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng đội, nhất là những ý kiến nói về những yếu kém, khuyết điểm. Đây là việc không đơn giản. Để làm việc này một cách nghiêm túc, phải bắt đầu từ chi bộ. Các tổ chức cơ sở đảng cần tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các chi bộ, tập trung liên hệ, kiểm điểm sâu sắc ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết T.Ư 4 đã nêu, trong đó chú trọng các giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chi bộ cần chỉ rõ khuyết điểm của từng đảng viên theo chức trách nhiệm vụ được phân công, để mỗi người phải nghiêm túc tự phê bình và phê bình một cách thành khẩn; khắc phục thói thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình và cho rằng người khác yếu kém, khuyết điểm nhiều hơn mình. Không có dũng khí, không cầu thị tiến bộ thì không thể tự phê bình, không thể nghe người khác nói về yếu kém của mình được. Với đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, thiết nghĩ tổ chức đảng nơi đảng viên đó sinh hoạt nên có hình thức tổ chức phù hợp theo hướng mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt đơn vị, hoặc có thể góp ý qua hòm thư góp ý và ủy ban kiểm tra cùng cấp là người tập hợp ý kiến để báo cáo ban thường vụ. Trên cơ sở ấy, ban thường vụ gợi ý những vấn đề cần góp ý đối với cán bộ đó, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với những yếu kém, hay những vấn đề bức xúc trong cơ quan, đơn vị. Ở những nơi có vấn đề như nội bộ mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực,… thì cấp ủy cấp trên cần chỉ đạo và gợi ý trực tiếp nội dung, đối tượng cần kiểm điểm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm của các chi bộ, tổ chức đảng, của các cơ quan, đơn vị, cá nhân người đứng đầu, khắc phục bằng được tình trạng làm qua loa hình thức chiếu lệ, nói mà không làm; bệnh thành tích, báo cáo hay mà làm thì nửa vời, không đến nơi đến chốn. Những trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì kiên quyết làm nghiêm và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, để góp phần giáo dục chung đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng cũng đề phòng tình trạng lợi dụng việc thực hiện chủ trương này để công khích, hạ bệ nhau vì mâu thuẫn cá nhân, để kẻ cơ hội cũng như các thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ, nói xấu Đảng; xử lý nghiêm đối tượng vu khống, lợi dụng gây rối trong Đảng.
Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên không phải là cái gì bất biến. Hôm nay, đồng chí này là cán bộ tốt, gương mẫu, nhưng điều đó có thể sẽ khác nếu cán bộ ấy không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, thậm chí có thể trở thành cán bộ xấu nếu không vững vàng khi gặp những cám dỗ của tiền tài, địa vị, hay tình cảm không trong sáng. Khuyết điểm hôm nay nhờ tự phê bình và phê bình mà khắc phục được, nhưng ngày mai đảm đương một công việc mới, nhất là một cương vị mới, sẽ có thể lại mắc những khuyết điểm mới. Điều ấy là lẽ thường của cuộc sống.
Tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, chúng ta tin tưởng rằng nếu có sự quyết tâm cao của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên thì ba vấn đề cấp bách nêu trong nghị quyết sẽ từng bước bị đẩy lùi. Nhưng cũng không có nghĩa là Đảng trong sạch như pha lê, vững mạnh một cách toàn diện, không còn yếu kém, khuyết điểm nào. Những khuyết điểm mới lại sẽ nảy sinh trong điều kiện mới; những yêu cầu của nhiệm vụ mới lại đòi hỏi Đảng phải nâng tầm trí tuệ, nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động và Đảng lại tiếp tục tự phê bình và phê bình để không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh, trưởng thành.
—————————
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 (lần 2), Ban Chấp hành T.Ư khóa VIII. Nxb Chính trị quốc gia, H.1999, tr 6.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H 2011, tr 29.
Theo Nhandan
Ý kiến ()