Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác Trung Ðông - Bắc Phi
Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Ðông - Bắc Phi lần đầu được tổ chức với quy mô lớn tại Việt Nam. Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của đông đảo các vị Trưởng đoàn, Ðại sứ và đại diện hơn 200 doanh nghiệp trong nước và khu vực Trung Ðông - Bắc Phi. Trong bối cảnh tăng cường hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, các đại biểu dự diễn đàn thể hiện quyết tâm mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước Trung Ðông - Bắc Phi.
Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Ðông – Bắc Phi lần đầu được tổ chức với quy mô lớn tại Việt Nam. Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của đông đảo các vị Trưởng đoàn, Ðại sứ và đại diện hơn 200 doanh nghiệp trong nước và khu vực Trung Ðông – Bắc Phi. Trong bối cảnh tăng cường hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, các đại biểu dự diễn đàn thể hiện quyết tâm mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước Trung Ðông – Bắc Phi.
Với dân số hơn 520 triệu người và nhiều nền kinh tế lớn, Trung Ðông – Bắc Phi không chỉ là điểm đến quan trọng của hàng hóa, lao động và dịch vụ mà còn là thị trường đầy tiềm năng đối với Việt Nam. Tại Diễn đàn lần này, các đại biểu quốc tế đều đánh giá cao sự phát triển năng động của Việt Nam, tin tưởng tiềm năng hợp tác giữa hai bên.
Ðại sứ An-giê-ri tại Việt Nam S.Si-khi đại diện đoàn đại biểu quốc gia Bắc Phi này cho biết, nhờ những nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hiện đại và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường năng lượng toàn cầu, An-giê-ri đã có chỗ đứng quốc tế quan trọng trong lĩnh vực năng lượng. Số các công ty hoạt động tại An-giê-ri và mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hi-đrô các-bon gia tăng đáng kể. Một trong những đối tác của Tập đoàn dầu khí Sonatrach của An-giê-ri là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Hai bên đã có những hợp đồng thăm dò và khai thác, sản xuất dầu mỏ tại khu vực Tu-gút từ năm 2002.
Ðại sứ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập phụ trách các vấn đề châu Á A.Ít-xma-in cho biết, với thị trường khoảng 90 triệu người tiêu thụ, quốc gia Bắc Phi này đang trên đường tiến tới ổn định, có những chính sách ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng hiện đại và là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Ông đề nghị hai nước có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư từ cả hai nước thực hiện các dự án trong lĩnh vực du lịch.
Là nền kinh tế mạnh với tốc độ tăng trưởng bền vững, đứng thứ 19 trong Báo cáo toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2013-2014, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực và là thị trường lớn thứ 7 của Việt Nam trên thế giới. Ðại biểu đến từ UAE cho biết, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang nước này gồm điện thoại di động, máy tính, linh kiện điện tử, đồ dệt may và gạo. Nhiều tập đoàn lớn của UAE như DP World, IPIC, Emirates Investment Gat, Dubai Holdings… coi Việt Nam là điểm đầu tư lý tưởng và là đối tác thương mại chiến lược. Quan hệ thương mại song phương giữa hai nước góp phần tăng cường quan hệ và tiến triển đáng kể trong hợp tác kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, lao động, nông nghiệp, du lịch.
Trong những thập kỷ qua, Chính phủ Ô-man đã chú trọng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế gắn với các dự án cơ sở hạ tầng, tạo ra môi trường thích hợp cho đầu tư công nghiệp, trong đó có cả công nghiệp sản xuất các sản phẩm dầu mỏ. Quốc gia này đang hướng tới phát triển cả các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, cảng biển, sân bay. Quan hệ giữa Việt Nam và Ô-man đã có bước phát triển đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Công ty Ðầu tư Việt Nam – Ô-man tập trung nhiều lĩnh vực triển vọng ở Việt Nam như y tế, dịch vụ, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng và thực phẩm.
Việt Nam và các nước Trung Ðông – Bắc Phi có nhiều lợi thế có thể bổ sung cho nhau để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác nhiều mặt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Là quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động, với một nền kinh tế đang kết nối mạnh mẽ với nhiều thị trường lớn trong khu vực và quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là cửa ngõ cho hàng hóa và dịch vụ của các nước Trung Ðông – Bắc Phi tiếp cận thị trường các quốc gia trong khu vực. Những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác nhiều mặt nhất là trên các lĩnh vực thương mại, năng lượng, đầu tư và lao động, đưa Trung Ðông – Bắc Phi trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()