Mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả
Các tỉnh miền núi phía bắc có tiềm năng, diện tích cây ăn quả lớn, nhất là cây cam, quýt. Nhiều năm qua, các loại cây ăn quả này mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân và các địa phương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cam, quýt tại đây còn gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với hơn 7 ha cây cam, quýt, trung bình mỗi vụ, ông Đinh Duy Lý, thôn Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc Lý (Na Rì, Bắc Kạn) thu hoạch hơn 30 tấn quả, tương đương hơn 700 triệu đồng. Sản phẩm cam đường canh của gia đình ông được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Năm 2020, được hỗ trợ gần 300 triệu đồng từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, ông Lý đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống tưới nước tự động theo mô hình tưới nước công nghệ cao giúp tăng năng suất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì Lương Thanh Lộc cho biết: “Việc chuyển đổi các diện tích không chủ động được nước tưới, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cam đang cho thấy hướng đi đúng. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích và tìm hướng sản xuất đáp ứng kênh tiêu thụ qua hệ thống các siêu thị trên cả nước”. Năm 2011, tỉnh Bắc Kạn chỉ có hơn 1.200 ha cây cam, quýt thì đến nay diện tích đã tăng lên hơn 3.500 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 2.000 ha. Bắc Kạn triển khai nhiều đề tài, dự án để phục tráng và bảo tồn nguồn gen quý của quýt Bắc Kạn, đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản quả sau thu hoạch; nhân rộng mô hình “quy trình kỹ thuật chuẩn” trong trồng quýt…
Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 8.600 ha cây cam; trong đó, có hơn 6.700 ha đã cho thu hoạch. Vùng cam tập trung của tỉnh nằm chủ yếu ở huyện Hàm Yên với gần 7.000 ha và huyện Chiêm Hóa có hơn 1.000 ha. Vụ cam năm nay, dự kiến sản lượng cam của huyện Hàm Yên đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó hơn 60.000 tấn là cam sành và khoảng 20.000 tấn là các loại cam Vinh, cam V2.
Hà Giang là “vựa” cam lớn nhất khu vực miền núi phía bắc với hơn 8.500 ha. Cây cam là cây trồng chủ lực, cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở một số huyện như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Giá trị từ cây cam đem lại cho tỉnh khoảng 700 tỷ đồng/năm, chiếm gần 10% tổng giá trị của ngành nông nghiệp. 10 năm trở lại đây, tỉnh đã định hướng cho người dân đa dạng giống cam, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường lại kéo dài niên vụ thu hoạch. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang Hoàng Hải Lý cho biết: Hiện nay, cam Hà Giang phải cạnh tranh với nhiều vùng trồng cam trong nước như Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang… Do đó, tỉnh xác định phải nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Chính cam, quýt đã đưa Hòa Bình trở thành tỉnh trọng điểm của toàn quốc về phát triển trồng và tiêu thụ sản phẩm. Cây cam Hòa Bình nhiều năm liền có năng suất cao nhất toàn quốc (22-24 tấn/ha/năm). Đã có nhiều mô hình sản xuất cam, quýt có hiệu quả kinh tế cao như: Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong); có những sản phẩm chế biến sâu từ cam như nước ép cam, mứt cam của Hợp tác xã Quang Hà (Cao Phong)… TS Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình cho biết: Diện tích cây có múi toàn tỉnh có hơn 10.000 ha, trong đó có gần 8.000 ha đang cho thu hoạch quả với sản lượng ước đạt 155.000 tấn; trong đó, diện tích cam, quýt đạt hơn 6.000 ha.
Các tỉnh nỗ lực xây dựng thương hiệu cho cam, quýt. Đã từ lâu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nổi tiếng với thương hiệu Cam sành Hàm Yên, được người tiêu dùng bình chọn là một trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam; lọt tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”. Nổi danh trên thị trường từ nhiều năm nay, cam, quýt đã trở thành hàng hóa chủ lực của tỉnh Bắc Kạn. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm quýt Bắc Kạn. Đến thời điểm này, tỉnh Hà Giang đã có hơn 70 cơ sở sản xuất với khoảng 3.500 hộ trồng cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hơn 4.200 ha…
Đã vào cao điểm thời vụ thu hoạch cam, quýt năm nay tại các tỉnh miền núi phía bắc, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ cho các loại cây ăn quả này đang gặp nhiều khó khăn. Do cung vượt cầu, cho nên trong khoảng 10 năm qua, việc tiêu thụ cam, quýt ở Bắc Kạn luôn khá bấp bênh, chưa vươn được tới các thị trường lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, do giá quýt liên tục giảm nên hiện nay, mỗi héc-ta trồng quýt, nông dân chỉ thu nhập được từ 60-90 triệu đồng/năm, là quá thấp so công lao động bỏ ra…
Trước thực trạng trên, các địa phương triển khai nhiều giải pháp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ quả cam, quýt. Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn Hoàng Hà Bắc cho biết: Sở đã cung cấp các thông tin về sản phẩm, chất lượng, thời vụ sản phẩm nông sản đến mùa vụ, trong đó có sản phẩm cam, quýt và đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố; Sở Công thương các tỉnh, thành phố nghiên cứu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, hiện tại tỉnh đã làm việc với các sàn giao dịch thương mại điện tử đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương liên hệ với các hợp tác xã có đủ điều kiện, năng lực làm đơn vị đầu mối thu mua, vận chuyển, cung cấp hàng hóa, hoàn thiện thủ tục giấy tờ để đưa cam, quýt lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và vào hệ thống các siêu thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) Đỗ Văn Hòa, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngay từ tháng 9, UBND huyện đã chủ động mở hội nghị khách hàng tiêu thụ cam với những đại lý, đầu mối lớn; Hội Cam sành Hàm Yên đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hàm Yên với Bưu điện tỉnh Tuyên Quang, Công ty cổ phần tập đoàn Masan, Công ty TNHH xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood. Theo đó, Bưu điện tỉnh tiêu thụ 10.000 tấn; Công ty cổ phần tập đoàn Masan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood tiêu thụ trên 6.000 tấn. Huyện đã tổ chức hai chợ đầu mối là Tân Thành và Bình Xa. Tại đây, đã bố trí khu vực bãi đỗ đậu xe đủ sức chứa tới 30 xe container và hàng chục xe tải nhỏ; có khu vực nghỉ ngơi, ăn uống và xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lái xe và các đơn vị thu mua,… hiện nay, mỗi ngày tại các chợ đầu mối này đang xuất bán được trên 100 tấn cam đi các tỉnh miền trung, miền nam và Tây Nguyên. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt chia sẻ: Tỉnh đã chủ động, linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm với mức giá bán phù hợp, mục tiêu cao nhất là tiêu thụ 100% sản lượng cam cho nông dân…
Bên cạnh xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức truyền thống thông qua các chợ đầu mối, tư thương, các tập đoàn phân phối, tỉnh Hà Giang quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Sendo;voso; postmart… Đầu tháng 10 vừa qua, siêu thị trực tuyến PostMart thuộc Bưu điện Việt Nam đã ký kết và mua 10 tấn cam vàng Hà Giang của Hợp tác xã Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang. Hà Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để giảm bớt những hạn chế về vị trí địa lý, giao thông và các khâu trung gian, đưa sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh đến tận tay người tiêu dùng.
Năm nay, để tránh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp như: Mời gọi sự tham gia của các sàn thương mại điện tử; hình thức bán hàng online được phổ cập; thành lập tổ công tác về tiêu thụ nông sản… giúp cho chuỗi tiêu thụ sản phẩm cam, quýt không bị đứt gãy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, đến nay, tỉnh đã có quyết định ban hành đề án tái canh cam, quýt của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đã nêu rõ quan điểm là tái canh không chỉ là trồng lại mà là tổ chức lại sản xuất một cách hiệu quả và bền vững; khép kín thành một chuỗi từ vùng trồng, cơ cấu giống và tiêu chuẩn chất lượng giống, kỹ thuật canh tác, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay tại nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa tập trung như cam Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, quýt Bắc Kạn và Lạng Sơn. Tổng diện tích cây có múi của các tỉnh miền núi phía bắc hơn 121.000 ha (chiếm hơn 47,5% diện tích của cả nước). Cùng với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi ở các tỉnh miền núi phía bắc còn nhiều hạn chế và gặp nhiều khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm, dịch bệnh. Vì vậy, vấn đề thị trường tiêu thụ cam, quýt rất cần được các bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm giải quyết để giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển các loại cây ăn quả đặc sản này
Ý kiến ()