Mở rộng thị trường, đón khách quốc tế an toàn, hiệu quả
Năm 2022 là năm đầu ngành du lịch hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khi thị trường trong nước phát triển bùng nổ ở mức kỷ lục với hơn 100 triệu lượt khách thì thị trường khách quốc tế lại tăng trưởng cầm chừng.
Phố đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt |
Chính thức mở cửa từ ngày 15/3, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu khu vực và thế giới khơi thông trở lại dòng chảy du lịch. Song chúng ta đã không tận dụng được lợi thế đi trước để đón đầu thị trường quốc tế. Năm 2022, ngành du lịch chỉ thu hút được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam so với mục tiêu đặt ra là 5 triệu lượt.
Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia đã có mức tăng trưởng khách quốc tế khá ấn tượng, thậm chí vượt dự kiến. Thực tế này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải nhanh chóng có biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch, tìm mọi cách để thu hút du khách, từng bước lấy lại đà tăng trưởng du lịch quốc tế trong năm 2023.
Trong bối cảnh đó, chính sách nới lỏng hạn chế di chuyển được các quốc gia vốn là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam đưa ra gần đây đã thắp lên nhiều tín hiệu vui. Đặc biệt, quyết định mở cửa lại biên giới từ ngày 8/1/2023 của Trung Quốc – quốc gia có tới hơn 1,4 tỷ dân đang mang đến kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt lớn cho du lịch quốc tế Việt Nam, bởi đây vốn là thị trường chủ lực lớn nhất, chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế tới Việt Nam những năm trước dịch. Được biết, ngay khi có thông tin, nhiều địa phương, doanh nghiệp ở nước ta đã sớm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, vật lực, sản phẩm du lịch để đón dòng khách này, nhằm nhanh chóng lấp đầy “lỗ hổng” về lượng khách quốc tế.
Những tín hiệu khởi sắc của thị trường quốc tế đến ngay trước thềm kỳ nghỉ Tết Quý Mão. Để hiện thực hóa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế theo kế hoạch đặt ra, du lịch Việt Nam đang nỗ lực thu hút, chào đón khách từ mọi thị trường truyền thống và tiềm năng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đón khách một cách ồ ạt mà vẫn cần phương án linh hoạt, hài hòa nhằm bảo đảm an toàn cho cả du khách và người dân, cũng là bảo đảm chất lượng du lịch, nhất là trong lúc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở một số quốc gia với sự xuất hiện, lây lan của những biến chủng mới.
Hiện nay, để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch từ hoạt động du lịch quốc tế, một số quốc gia đã thắt chặt biện pháp kiểm soát dịch đối với du khách đến từ các nước có tình hình dịch căng thẳng, như yêu cầu xét nghiệm, buộc cách ly nếu phát hiện dương tính với Covid-19… Những chính sách này ít nhiều có thể gây ảnh hưởng tâm lý và quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách quốc tế nhưng vẫn được các quốc gia cân nhắc áp dụng nhằm bảo đảm tốt nhất an toàn cho du khách và người dân.
Do đó, theo các chuyên gia, Việt Nam nên sớm đưa ra những khuyến cáo cần thiết, đồng bộ, hài hòa, phù hợp điều kiện thực tế nhằm hạn chế lây nhiễm dịch trong hoạt động đón khách quốc tế và cũng không cản trở việc du khách đến với chúng ta một cách an toàn. Từ đó, các doanh nghiệp du lịch có thể chủ động sẵn sàng các phương án đón khách, giúp du khách chuẩn bị sức khỏe và tâm thế tốt nhất cho hành trình du lịch. Việc đưa ra những biện pháp sàng lọc, loại bỏ nguy cơ lây nhiễm còn giúp các đối tượng khách quốc tế đến từ những thị trường khác yên tâm hơn khi lựa chọn điểm đến là Việt Nam.
Cận Tết, nhu cầu đi lại của người dân, du khách tăng cao, vì thế khâu kiểm tra, giám sát càng phải đẩy mạnh: Cần tăng cường đội ngũ nhân lực, trang thiết bị cần thiết tại cửa khẩu để bảo đảm hoạt động xuất, nhập cảnh được thông suốt, an toàn; có kế hoạch, phương án phân luồng riêng với các đối tượng du khách khác nhau để thuận tiện trong kiểm dịch, xác nhận tình trạng sức khỏe du khách, tránh gây ùn tắc, bất tiện cho du khách trong quá trình du lịch.
Các công ty cung ứng dịch vụ cho du khách cũng cần theo dõi sát sức khỏe của khách trong quá trình du lịch để sẵn sàng phản ứng với mọi tình huống phát sinh. Do tình hình đóng, mở của các thị trường còn có thể thay đổi theo diễn biến dịch cho nên các doanh nghiệp du lịch cũng bày tỏ mong muốn được cập nhật sớm và đồng bộ thông tin về các thị trường khách, đồng thời có sự định hướng sớm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý để xây dựng kế hoạch ứng phó đúng, kịp thời, vừa bảo đảm an toàn cho du khách và người dân, vừa khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế từ khách du lịch quốc tế.
Ý kiến ()