Mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đại diện các địa phương chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.
Sau 10 năm triển khai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, mặc dù số đối tượng tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng đến nay cả nước cũng mới chỉ có gần 200 nghìn người tham gia, kết quả này còn quá thấp so với tiềm năng và mục tiêu đề ra. Nhiều giải pháp đã được các địa phương đề xuất tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây tại tỉnh Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh.
Tăng cường từ mạng lưới cơ sở
Theo báo cáo BHXH Việt Nam, tính đến hết quý III-2018, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 189.502 người, đạt 57,2% so kế hoạch giao. Trong đó, một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, như: Điện Biên là 1.740 người, đạt 97,9% kế hoạch; Quảng Bình là 5.895 người, đạt 89,2% kế hoạch; Cao Bằng là 1.995, đạt 88,0% kế hoạch… Nhưng có tới 48 địa phương giảm đối tượng so với năm 2017, nguyên nhân chủ yếu là do một số đối tượng tham gia nghỉ hưởng chế độ BHXH hoặc chuyển đối tượng theo quy định; người tham gia chưa hiểu đầy đủ về chính sách; có thu nhập thấp, không ổn định; chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già; chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý thu…
Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An Lê Viết Thức: Cán bộ BHXH và nhân viên đại lý thu cần “bám làng, bám dân” mới tiếp cận và vận động được người dân tham gia. Nhân viên đại lý thu và cơ quan bảo hiểm cần xuống tận nơi, gặp gỡ, tiếp xúc với các nhóm đối tượng tiềm năng để tư vấn cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Thực tế triển khai tại Nghệ An cho thấy người dân hưởng ứng rất tích cực, tạo lòng tin với người tham gia và sự lan tỏa chính sách trong cộng đồng. Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng Đàm Thị Phương Thảo cũng khẳng định, chọn đúng đối tượng là điều quan trọng. Kinh nghiệm người tư vấn phải hiểu rõ, hiểu sâu các quy định về BHXH tự nguyện, để khi tư vấn, bản thân luôn tự tin; khi đối tượng hỏi có thể trả lời ngay những thắc mắc.
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đác Lắc Nguyễn Thị Xuân cho biết, đặc thù của địa phương có tới 34% dân số là người dân tộc thiểu số cho nên ngoài giao chỉ tiêu cụ thể, cơ quan BHXH còn yêu cầu đội ngũ tuyên truyền viên phải luôn “bám làng, bám dân” thông qua các già làng, trưởng bản, gặp trực tiếp những đối tượng tiềm năng để tư vấn, qua đó đã dần tạo được niềm tin cho người dân. Với cách làm trên, đến hết năm 2018, BHXH tỉnh Đác Lắc tin tưởng sẽ có khoảng 1.500 người tham gia BHXH tự nguyện.
Là đơn vị có thành tích tốt nhất về phát triển BHXH tự nguyện ở khu vực phía bắc, kinh nghiệm từ BHXH tỉnh Hải Dương cho thấy, điều quan trọng là phải thực hiện hiệu quả ba giải pháp, đó là: Mở rộng đại lý thu để phát huy sức mạnh của từng hệ thống (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ngành y tế, Mặt trận Tổ quốc, bưu điện, UBND xã…); triển khai giao chỉ tiêu cụ thể cho BHXH huyện để BHXH huyện giao chỉ tiêu đến các đại lý thu, trong đó yêu cầu mỗi tháng mỗi đại lý phải vận động được tối thiểu một đối tượng tham gia mới; cần đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng tới từng đối tượng tiềm năng…
Cần phát triển đúng với tiềm năng
Đánh giá trên góc độ cơ quan quản lý chính sách BHXH, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam cho rằng, cần phải đổi mới, phát huy mạnh mẽ vai trò, đa dạng các kênh đại lý thu. Bên cạnh đó, cần huy động sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển đối tượng BHXH tự nguyện; không ngừng áp dụng đồng bộ các giải pháp, ưu tiên phát triển đối tượng bền vững, tham gia lâu dài. Chính sách BHXH cần đa dạng, linh hoạt, hướng tới đáp ứng được nhu cầu, khả năng của nhiều nhóm đối tượng khác nhau; huy động sự hỗ trợ của toàn xã hội đối với người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Trên cơ sở thực tế, nhóm đối tượng tiềm năng để phát triển BHXH tự nguyện là nông dân, lao động tại nông thôn và lao động phi chính thức. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này lại ít được tiếp cận các thông tin, chính sách về BHXH tự nguyện. Do vậy, để thu hút hơn người lao động tham gia BHXH tự nguyện, cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng. Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, như: Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển, mở rộng đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cũng gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỷ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển bền vững, tham gia lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ đại lý.
Đồng thời, từ thực trạng triển khai ở các địa phương, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường mở rộng, kiểm tra, giám sát hoạt động của các hệ thống đại lý thu; tập trung đào tạo đội ngũ cộng tác viên ngoài ngành (là thành viên của các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến xã, như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…); qua đó lựa chọn, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng; niêm yết công khai tên, địa điểm, số điện thoại đại lý thu, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia cho từng đại lý thu; đánh giá và khen thưởng kịp thời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()