Mở rộng phạm vi tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích
Giám đốc điều hành hãng Hàng không quốc gia Malaysia (MAS), Ahmad Jauhari Yahya vừa cho biết, công tác tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 bị mất tích hiện đã được mở rộng phạm vi và vượt xa khỏi hành trình của chuyến bay này.
Giám đốc điều hành hãng Hàng không quốc gia Malaysia, ông Ahmad Jauhari Yahya |
Trong một tuyên bố ra ngày 11/3, lãnh đạo MAS khẳng định, hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ đang được tập trung ở bán đảo phía Tây của Malaysia và eo biển Malacca. “Các nhà chức trách hiện đang tính đến khả năng chiếc máy bay mang số hiệu MH370 đã quay trở lại Subang…”, ông Yahya nói.
Ngày 8/3, chuyến bay mang số hiệu MH370, chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn, đang hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã mất tích một cách “bí ẩn” và không để lại dấu vết nào. Ông Yahya cho biết, hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay cũng như toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay gặp nạn đang được nhiều nước hỗ trợ tích cực, trong đó có Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Mỹ.
Đại diện của MAS cũng cho biết thêm, các nước hiện đang triển các máy bay và tàu để tham gia vào sứ mệnh tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay và những người bị mất tích. Dự báo, các nước sẽ tiếp tục triển khai thêm thiết bị để mở rộng công tác tìm kiếm và cứu hộ trong vài ngày tới. Theo ông Yahya, bên cạnh công tác tìm kiếm, cứu hộ trên biển, các nỗ lực tìm kiếm trên bộ ở các khu vực có liên quan hiện cũng đang được triển khai.
Trong tuyên bố ngày 11/3, ông Yahya khẳng định, kết quả phân tích của các đội tìm kiếm và cứu hộ cho thấy, những vật thể và các vết dầu loang mà các bên tìm thấy ở Biển Đông không thuộc về chuyến bay MH370. Lãnh đạo MAS cho biết, c hiếc máy bay Boeing 777-200 thực hiện chuyến bay số hiệu MH370 đã được bảo trì vào ngày 23/2/2014 – tức chỉ 10 ngày trước khi thực hiện chuyến bay vào ngày 8/3. Dự kiến, ngày 19/6 tới đây, chiếc máy bay này sẽ tiếp tục được kiểm tra để bảo trì. Công việc bảo trì chiếc máy bay này đã được thực hiện tại khu vực của Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) và không phát hiện ra bất cứ hỏng hóc nào.
Ông Yahya cho biết, chiếc máy bay Boeing 777-200 thực hiện chuyến bay số hiệu MH370 đã được chuyển giao cho MAS vào năm 2002 và đã thực hiện 7525 vòng bay trên tổng số hơn 53.465 giờ bay.
Dựa trên các thông tin thu thập được liên quan tới chuyến bay MH370, 1 máy bay P-3 của hải quân Mỹ có khả năng bao quát 1.500 dặm (tương đương 3.900 km)/giờ đang quan sát khu vực phía Bắc của Eo biển Malacca, phía bên kia của bán đảo Malaysia – nơi ghi nhận thông tin cuối cùng về chiếc máy bay mất tích.
Cho đến nay, mọi nỗ lực tìm kiếm tung tích của chiếc máy bay này cùng toàn bộ hành khách và phi hành đoàn vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể. Trong khi đó, một số chuyên gia dự đoán, chiếc máy bay này có thể đã gặp phải tai nạn thảm khốc như bị rơi hoặc phát nổ. Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng không quân Malaysia cho rằng, các hình ảnh radar ghi nhận được cho thấy, chiếc máy bay này đã quay đầu khỏi hành trình dự kiến trước khi “biến mất”.
Được biết, Boeing 777 hiện được xem là dòng máy bay an toàn nhất được sử dụng trong mục tiêu thương mại.
Hiện hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc này.
Theo CPV
Ý kiến ()