Mở rộng mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn
Nông dân tỉnh Bình Định thu hoạch lúa. Ảnh: NGỌC THANH Tháng 3-2011, phong trào xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lớn" được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động tại phần lớn các tỉnh, thành phố vùng Nam Bộ. Sau hơn một năm thực hiện tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hiện đang nhân rộng mô hình tại bốn tỉnh phía bắc, cho thấy việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là xu thế tất yếu của sự liên kết sản xuất và tiêu thụ; đồng thời là giải pháp thiết thực, bảo đảm tính bền vững cho sản xuất lúa hàng hóa ở nước ta. Nông hộ nhỏ, cánh đồng lớnTính tại thời điểm vụ hè - thu năm 2011, ĐBSCL có 12 trong số 13 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích 7.803 ha với 6.400 hộ nông dân. Đây là con số không nhỏ trong vụ đầu thực hiện. Tại An Giang, vụ đông - xuân 2011 - 2012 là lần thứ tư mô hình được Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang triển khai ở xã...
Nông dân tỉnh Bình Định thu hoạch lúa. Ảnh: NGỌC THANH |
Tháng 3-2011, phong trào xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động tại phần lớn các tỉnh, thành phố vùng Nam Bộ. Sau hơn một năm thực hiện tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hiện đang nhân rộng mô hình tại bốn tỉnh phía bắc, cho thấy việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là xu thế tất yếu của sự liên kết sản xuất và tiêu thụ; đồng thời là giải pháp thiết thực, bảo đảm tính bền vững cho sản xuất lúa hàng hóa ở nước ta.
Nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn
Tính tại thời điểm vụ hè – thu năm 2011, ĐBSCL có 12 trong số 13 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích 7.803 ha với 6.400 hộ nông dân. Đây là con số không nhỏ trong vụ đầu thực hiện. Tại An Giang, vụ đông – xuân 2011 – 2012 là lần thứ tư mô hình được Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang triển khai ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành trên diện tích 3.500 ha với sự tham gia của 1.463 hộ nông dân. Trung bình mỗi hộ có gần 2,4 ha, trong đó hộ cao nhất là 20 ha. Tại huyện Thoại Sơn, mô hình đầu tiên được thực hiện trên diện tích 1.500 ha với 498 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ hơn 2,4ha. Tại Cần Thơ hiện có chín mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.832 ha. Trong đó, Cờ Đỏ là huyện đi đầu phong trào với hai mô hình ở xã Thới Xuân và Thạnh Phú. Vụ đông – xuân 2011 – 2012, xã Thới Xuân có 420 ha với sự tham gia của 223 hộ dân, trung bình mỗi hộ đạt 1,9 ha. Xã Thạnh Phú có 120 ha với 130 hộ dân, trung bình mỗi hộ đạt gần một ha.
Tại phía bắc, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn tại TP Hà Nội và ba tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa thì chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp triển khai hào hứng. Nam Định có 11 xã của bảy huyện tham gia với tổng diện tích 565 ha, hơn 3.000 hộ dân tham gia. Trong đó mô hình lớn nhất là HTX Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng với diện tích 100 ha, 703 hộ tham gia, trung bình 0,14 ha/hộ. Tỉnh Thái Bình triển khai tại HTX Ngô Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư và thôn 1, xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương, diện tích 50 ha và 396 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ 0,12 ha. So với ĐBSCL, mô hình cánh đồng mẫu lớn của các tỉnh phía bắc nhỏ lẻ hơn nhiều. Nguyên nhân do diện tích sản xuất bình quân đầu hộ nhỏ và manh mún, dù một số nơi đã hoàn thiện việc dồn điền, đổi thửa thì trung bình cũng chỉ đạt khoảng ba sào/hộ. Trong điều kiện thực tế như vậy, mô hình 50 ha – 100 ha tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng được coi là một nỗ lực lớn.
Lời giải đặt ra từ thực tiễn
Lâu nay, hai câu hỏi lớn từ thực tiễn luôn được đặt ra trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là làm cách nào để giải bài toán đầu vào và đầu ra cho sản phẩm? Và những hạn chế cũng thường nằm ở hai khâu chính yếu này. Chính vì thế, TS, Viện trưởng Lê Văn Bảnh Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long khẳng định: Thành công lớn nhất của mô hình cánh đồng mẫu lớn là giải được bài toán đầu ra và đầu vào cho sản xuất lúa gạo.
Chúng tôi có mặt tại vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang tại huyện Thoại Sơn đúng vào thời điểm thu hoạch vụ đông – xuân 2011 – 2012. Trong không khí hối hả với tiếng máy gặt đập liên hợp, tiếng máy xình xịch của ghe chở lúa cập kênh, nông dân hồ hởi cân lúa giao cho doanh nghiệp thu mua, chúng tôi nhận thấy rõ bước tiến mới trong chuỗi sản xuất lúa gạo theo quy trình khép kín. Chị Nguyễn Thị Bé Gái, ấp Tây Bình, xã Thoại Giang vừa lau mồ hôi vừa nhận tiền cân 11 tấn lúa, giá 5.700 đồng/kg lúa với nụ cười rạng rỡ: “Năm nay tôi vô cánh đồng mẫu lớn lần đầu, chưa thu hoạch hết nhưng với giá lúa này, ước tính 2,6 ha thế nào cũng có hơn 50 triệu đồng tiền lời. Mấy năm trước trồng lúa cực muốn chết luôn vì không ai mua lúa tươi, phải phơi xong mới bán được. Giờ cứ thu hoạch xong là công ty thu mua tận ruộng, chỉ việc đến cân và nhận tiền. Trồng lúa thấy “khỏe”, giờ đâm ham nhà báo ạ”. Chị Nguyễn Thị Đẹp cũng vừa nhận tiền cân 10,4 tấn lúa tiếp lời: “Chúng tôi có thể bán ngay cho công ty nhưng nếu chưa ưng giá thì có thể để lúa lưu kho miễn phí tại đây trong vòng 30 ngày. Nên giờ không phải lo bảo quản lúa tại nhà hay bị thương lái ép giá”. Những lợi ích của người nông dân trực tiếp tham gia mô hình chính là câu trả lời cho đầu ra sản phẩm. Không còn chuyện mất mùa được giá, được mùa rớt giá hay chuyện tồn đọng lúa gạo khi các thương lái ép giá thu mua. Trong khi đó, giá thu mua của công ty còn cao hơn giá thị trường từ 100 đến 200 đồng/kg. Câu hỏi lớn khác cũng được thực tiễn mô hình cánh đồng mẫu lớn cho lời đáp, chính là đầu vào của sản phẩm. Từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều được các công ty liên kết cung cấp đến tận người nông dân, không qua bất kỳ một khâu trung gian nào. Đồng thời, các công ty còn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp bám đồng với nông dân. Với mức giá vật tư nông nghiệp đầu vào không bị đẩy lên qua khâu trung gian, chất lượng bảo đảm, thực hiện theo quy trình kỹ thuật, giá thành sản xuất 1 kg lúa giảm rõ rệt, tác động trực tiếp đến lợi nhuận khi thu hoạch của người nông dân. Theo khảo sát và tính toán cụ thể tại Cần Thơ, vụ đông- xuân 2011 – 2012, mô hình tại huyện Vĩnh Thạnh năng suất tăng 4,6% (360 kg/ha) so với ngoài mô hình và tăng 7,46% (620 kg/ha) so với trước khi tham gia mô hình. Tỷ lệ lợi nhuận cũng tăng 28,38% (4,8 triệu đồng/ha) so ngoài mô hình. Mô hình tại huyện Cờ Đỏ, năng suất tăng 6,4% (500 kg/ha) so ngoài mô hình và 3,85% (300 kg/ha) so trước khi tham gia mô hình. Tỷ lệ lợi nhuận tăng 38,81% (5,3 triệu đồng/ha) so ngoài mô hình. Trong khi đó, giá thành sản xuất 1 kg lúa của nông dân trong mô hình thấp hơn ngoài mô hình 423 đồng/kg (huyện Cờ Đỏ) và 466 đồng/kg (huyện Vĩnh Thạnh). Đáng chú ý, nhờ ghi chép quy trình sản xuất và chi phí vào sổ theo dõi theo tiêu chuẩn VietGap, người nông dân tự tính toán được chi phí giá thành sản xuất và mức lợi nhuận trong mỗi vụ một cách chi tiết, chính xác. Theo khảo sát các mô hình cánh đồng mẫu lớn tại An Giang, vụ đông- xuân 2010 – 2011, người nông dân có lãi 33,1 triệu đồng/ha trên tổng thu 51,3 triệu đồng/ha. Vụ hè – thu 2011, trung bình mỗi ha lúa có tổng thu 38,1 triệu đồng, lợi nhuận 20,6 triệu đồng/ha. Vụ thu – đông 2011, đạt mức lợi nhuận 25,5 triệu đồng/ha trên tổng thu 44,7 triệu đồng/ha. Như vậy thấy rõ lợi nhuận luôn đạt hơn 50% tổng thu trên 1 ha, vượt cả mức quy định của Thủ tướng Chính phủ là tạo điều kiện để người trồng lúa có lãi 30%.
Cần sự tiếp sức từ nhiều phía
Sau một năm thực hiện tại đồng bằng sông Cửu Long và hiện nay đang nhân rộng ra các tỉnh, thành phố phía bắc, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã khắc phục được hạn chế bấy lâu nay của nền sản xuất lúa gạo: Sự manh mún, mạnh ai nấy làm, mối liên kết bốn nhà khó hiệu quả, doanh nghiệp bán hàng thu tiền, các nhà khoa học chưa vào cuộc, ngành vật tư nông nghiệp bị xé lẻ, khâu trung gian đẩy giá thành vật tư khi tới tay nông dân, khoa học – kỹ thuật ít được áp dụng nên lúa chất lượng kém, lợi nhuận của người trồng lúa khó đạt mức 30%… Thay vào đó, cánh đồng mẫu lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, khoảng cách chênh lệch năng suất được rút ngắn giữa các cánh đồng. Nông dân yên tâm về chất lượng vật tư nông nghiệp và đầu ra sản phẩm, nâng cao vị thế cho người nông dân và nâng cao chất lượng lúa gạo, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong nước và xuất khẩu. Từ đó chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, việc nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng dần bộc lộ những khiếm khuyết. Đó là việc tìm kiếm doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ lúa còn khó khăn, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế, cho nên chưa mạnh dạn đầu tư. Trình độ nông dân không đồng đều dẫn đến việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, ghi chép nhật ký sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Nhất là mối liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) chưa đồng bộ do thiếu đơn vị tham gia tiêu thụ sản phẩm. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2012, mô hình cánh đồng mẫu lớn có 40 – 80 nghìn ha, năm 2013 đạt 100 – 200 nghìn ha, đến năm 2015, vùng sản xuất nguyên liệu lúa sẽ đạt một triệu ha. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nói trên, cần sự tiếp sức từ nhiều phía. Trong đó liên kết bốn nhà cần được đẩy mạnh thật sự với vai trò chính là việc thu mua lúa của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đây là cơ sở để mô hình cánh đồng mẫu lớn tồn tại và phát triển, là điểm xuất phát cho việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, khó khăn khác hiện nay là diện tích sản xuất tại các vùng, miền còn manh mún. Tính chung trên cả nước, mỗi hộ nông dân chỉ có khoảng 7.000 m2 đất trồng lúa. Nếu tính riêng các tỉnh đồng bằng sông Hồng thì con số này nhỏ hơn nhiều. Chính vì vậy, tích tụ ruộng đất cần một chính sách hoàn thiện hơn, góp phần đáp ứng những yêu cầu mới của sự nghiệp CNH và HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()