Mở rộng lưới an sinh cho người cao tuổi
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi gửi Bộ Tư pháp thẩm định mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất về việc hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi với người không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH. Dự thảo này nhận được sự quan tâm, đồng tình cao của dư luận.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng. Điều kiện để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nếu đề xuất được thông qua là những người từ đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ. Ngoài đề xuất hạ tuổi, người cao tuổi có đủ điều kiện sẽ được nhận trợ cấp từ 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nếu đề xuất được thông qua, thì sẽ có thêm khoảng 700.000 người cao tuổi vào lưới an sinh xã hội.
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 354 khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hội viên Hội Người cao tuổi quận Ba Đình, TP Hà Nội. |
Theo thống kê của ngành BHXH, tính đến cuối năm 2022, nước ta có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên, mới chỉ có 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (tương đương 5,1 triệu người), trong đó có 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 630.000 người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng và hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Chính vì vậy, việc giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và tăng mức hỗ trợ sẽ giúp người cao tuổi có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống.
Mặc dù năm nay đã 76 tuổi nhưng không có lương hưu hay khoản trợ cấp nào khác, nên ông Nguyễn Văn Đức ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) vẫn phải vất vả bám trụ tại Hà Nội để mưu sinh. Vì vậy, khi biết được thông tin với độ tuổi của mình, nếu dự thảo hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được thông qua thì ông Đức sẽ được nhận 500.000 đồng/tháng tiền trợ cấp. Ông Đức cho biết: “Với những người có lương hưu, đến độ tuổi như tôi thì họ đã được nghỉ ngơi, nhưng với tôi, do không có lương hưu hay khoản trợ cấp nào nên vẫn phải đi làm kiếm sống. Nếu được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 500.000 đồng thì ít nhiều chúng tôi cũng đỡ được gánh nặng cho con cháu trong gia đình”.
Với bà Nguyễn Thị Cúc ở xã Cao Minh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn), đã hơn 3 năm ròng rã chạy thận ở Hà Nội. Hơn 4 tháng nay, bà Cúc mới chỉ về nhà một lần, phần vì nhà xa, phần vì không có chi phí đi lại. Ở tuổi 77, khi sức khỏe ngày càng giảm sút và không có khả năng lao động thì mọi chi phí chữa bệnh của bà Cúc đều phải phụ thuộc vào các con, vì bà chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và cũng không nằm trong đối tượng có lương hưu hay BHXH. Vì vậy, bà rất lo lắng vì chi phí chữa bệnh đang ngày một nhiều thêm. Bà Cúc cho biết: “Tôi không có lương hưu cũng không được hưởng khoản trợ cấp nào. Bây giờ lại mắc bệnh, phải chạy thận thường xuyên nên rất khó khăn. Mặc dù rất tiết kiệm nhưng nhiều lúc vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Mỗi tháng, đơn thuốc của tôi hết khoảng 2-3 triệu đồng, nhưng không có tiền nên chỉ mua nhiều lắm là được một nửa. Khi nghe tin có đề xuất về việc hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi với người không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH, tôi mừng lắm. Nếu phải chờ đến tuổi 80 mới được hưởng trợ cấp như trước đây thì tôi còn 3 năm nữa mới đủ điều kiện. Bây giờ nhiều bệnh, lại không có tiền chữa trị thì cũng không biết mình có chờ được đến lúc đấy không. Chúng tôi cũng rất mong Nhà nước có các chính sách hạ thêm độ tuổi để giúp những người không có lương, không có trợ cấp như chúng tôi có thêm điều kiện chữa bệnh”.
Dự thảo là nguyện vọng của người cao tuổi
Trước thông tin giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn đều rất phấn khởi, bởi điều này góp phần chăm lo đời sống cho họ. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội tại Luật BHXH sửa đổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Về lâu dài, cần có các giải pháp để huy động tham gia, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Khi người dân có lương hưu thì sẽ giảm gánh nặng cho Nhà nước, xã hội.
Cùng chung quan điểm trên, trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Hữu Bảy, Chánh văn phòng Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: “Nếu chính sách được ban hành sẽ rất tốt, bởi thực tế cuộc sống của không ít người cao tuổi hiện nay còn rất khó khăn, đặc biệt là với những người không có tích lũy và không có khoản thu nhập nào. Đây là những khoản thu nhập có thể giải quyết phần nào cuộc sống, mức sống tối thiểu của người cao tuổi, chưa nói đến người cao tuổi không có sự hỗ trợ của con cái, lại có bệnh tật, nếu không có khoản trợ cấp này thì rất khó khăn. Nếu chính sách được thông qua thì thực chất đây là làm tốt chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi. Đây cũng là động lực chung cho sự phát triển của xã hội”.
Cũng theo ông Đoàn Hữu Bảy, thời gian tới, nếu nguồn lực có đủ thì nên tiếp tục nghiên cứu hạ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội xuống 70 tuổi. Bởi với những hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập, tuổi cao, sức khỏe suy giảm thì một vài trăm nghìn đồng cũng đáng quý. Cùng với hạ tuổi thì việc đề xuất nâng mức hỗ trợ từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng cũng xác đáng trong lúc giá cả, chi phí sinh hoạt tăng cao như hiện nay.
Có thể nói rằng, việc đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hiện nay chính là thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi trong vấn đề an sinh xã hội.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/mo-rong-luoi-an-sinh-cho-nguoi-cao-tuoi-734688
Ý kiến ()