Mở rộng kết nối trong thanh toán số
Theo ước tính của Trung tâm Phát triển thương mại toàn cầu (FIS Global), tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong các giao dịch không dùng tiền mặt sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) 15% cho đến năm 2027. Riêng năm 2023, ví điện tử chiếm 50% thanh toán eCom và 30% thanh toán POS, và dự kiến ví điện tử sẽ là phương thức thanh toán phát triển nhanh nhất để đạt giá trị 25 nghìn tỷ USD vào năm 2027.
Giám đốc Giải pháp thanh toán toàn cầu (FIS Global) Stephen Peters, tại Việt Nam đánh giá, ví điện tử là phương thức thanh toán eCom hàng đầu với tỷ lệ 36%, tiếp đó là 31% thanh toán POS trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 49% (thanh toán eCom) và 50% (thanh toán POS) vào năm 2027. Trong khi đó, việc sử dụng tiền mặt và thanh toán thẻ đang ngày càng giảm (cho cả tín dụng và ghi nợ).
Xu hướng thanh toán sinh trắc học
Thanh toán từ tài khoản đến tài khoản (A2A) cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo ông Stephen Peters, mặc dù phương thức A2A gặp khó khăn trong việc thay thế thẻ ở các thị trường sử dụng nhiều thẻ như Anh và Mỹ nhưng ở nhiều thị trường khác, người bán thường ưa chuộng các phương thức thanh toán chi phí thấp hơn như A2A. Tại Việt Nam, tỷ lệ thanh toán theo A2A năm 2023 đạt 20%.
Cùng với đó, những xu hướng thanh toán mới đầy tiềm năng khác đang xuất hiện, một trong số đó là thanh toán sinh trắc học (Biometric Pay). “Công nghệ này sử dụng các đặc điểm sinh học riêng biệt của mỗi cá nhân, như vân tay, khuôn mặt, mống mắt hoặc lòng bàn tay để xác thực danh tính và hoàn tất thanh toán. Người bán sẽ được hưởng lợi từ việc rút ngắn thời gian chờ thanh toán, nâng cao mức độ bảo mật cho người tiêu dùng”, ông Stephen Peters chia sẻ.
Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng công nghệ thanh toán sinh trắc học. Các hệ thống thanh toán sử dụng vân tay và khuôn mặt đã được triển khai rộng rãi tại các cửa hàng, nhà hàng, máy ATM và trung tâm mua sắm ở Nhật Bản. Trung Quốc cũng đang trở thành thị trường lớn cho Biometric Pay với hàng triệu người sử dụng mỗi ngày thông qua các ứng dụng thanh toán di động như Alipay, WeChat Pay, Union Pay,…
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Epay Ðặng Thành Tuân cho hay, hiện nay xu hướng giao dịch trực tuyến tăng cao, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ thông tin cá nhân và tài chính, do đó họ ngày càng ưa chuộng các phương thức thanh toán an toàn hơn như thanh toán sinh trắc học. Với nhu cầu lớn từ việc kiến tạo nên một hình thức thanh toán hoàn toàn mới - thanh toán sinh trắc học, ứng dụng xác thực định danh, Epay đã mang đến những đề xuất giải pháp toàn diện từ thiết bị xác thực, cho đến các giải pháp công nghệ xác thực, nhận diện chính xác, hỗ trợ thanh toán nhanh, tiện lợi và an toàn, thông qua: khuôn mặt, vân tay, lòng bàn tay, mống mắt,…
Ngoài ra, Epay đã triển khai thành công giải pháp xác thực định danh, thanh toán không dùng tiền mặt toàn trình trong lĩnh vực y tế: từ đón tiếp, đến thanh toán cận lâm sàng, cho phép người dân và cơ sở y tế giảm bớt thủ tục hành chính trong quá trình khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ từ 7-10 phút/thủ tục xuống còn dưới 1 phút. Theo báo cáo của Bệnh viện Xanh Pôn, giải pháp kiosk xác thực định danh và thanh toán không tiền mặt của Epay đã đón tiếp hơn 50.000 lượt đăng ký khám bệnh, lấy số thứ tự, thanh toán các khoản phí. Cùng với Bệnh viện Xanh Pôn, giải pháp trong ngành y tế của Epay cũng đang được triển khai, thử nghiệm ở nhiều bệnh viện khác trên toàn quốc.
Thu thập dữ liệu an toàn, hiệu quả
Xác thực định danh và thanh toán sinh trắc học hiện là một xu hướng mới, được ứng dụng tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Xu hướng này sẽ mang đến những trải nghiệm thanh toán tiện lợi cho người dùng. Tuy nhiên, những hình thức hỗ trợ thanh toán bằng vân tay, khuôn mặt,… tại Việt Nam hiện chưa được xác thực, định danh với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên tồn tại các nguy cơ cho bản thân chuỗi thanh toán, ngân hàng và người dùng.
Epay là một trong những đơn vị được Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) cấp giấy chứng nhận là đơn vị được cung cấp sản phẩm, dịch vụ xác thực căn cước công dân gắn chip theo Quyết định số 3103 ngày 31/3/2023, đồng thời được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép cung ứng 4/6 dịch vụ trung gian thanh toán theo Quyết định số 54 ngày 24/5/2019. Epay đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thanh toán Biometric Pay và sẽ sớm được đưa vào sử dụng tại các cửa hàng, mang tới cho người tiêu dùng trải nghiệm thanh toán nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Epay, việc áp dụng công nghệ này vẫn còn một số thách thức như khung pháp lý về Biometric Pay tại Việt Nam chưa hoàn thiện. Vấn đề quan trọng cần xem xét và giải quyết là phải có quy định rõ ràng về việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu sinh trắc học để bảo đảm quyền riêng tư của khách hàng. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức của người dùng, làm quen với thói quen thanh toán mới cũng là vấn đề cần được quan tâm, để đưa thanh toán bằng sinh trắc học trở thành xu hướng mới, hiện đại.
Nhiều chuyên gia cho biết, với sự nỗ lực của các bên tham gia, Biometric Pay hứa hẹn sẽ trở thành phương thức thanh toán phổ biến trong tương lai tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo dữ liệu từ Bộ Công an, đến nay Bộ đã cấp 86 triệu căn cước công dân gắn chip, thu thập hơn 1 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 53,88 triệu tài khoản; có 8 tiện ích phục vụ cho người dân với 29,4 triệu lượt người truy cập vào VNeID.
Sắp tới, Bộ Công an sẽ công bố 26 tính năng mới trên VNeID, trong đó có 4 tính năng liên kết với ngành ngân hàng và tiến tới đưa tài khoản định danh VNeID là phương thức duy nhất truy cập và thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công vào tháng 7/2024 để cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân. Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an khẳng định, Bộ Công an sẽ cùng các đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cung cấp dịch vụ vừa bảo đảm an toàn, tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu để bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình kết nối.
Ý kiến ()