Mở rộng điều tra gian lận thi cử; không để tái diễn thảm kịch 39 người chết
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể ngày 4/11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng điều tra gian lận thi cử năm 2018; xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về môi trường; có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng đưa người ra nước ngoài trái phép…
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội |
Xử lý gian lận thi cử: Phải đúng người, không né tránh nhiệm
Đề cập đến hệ lụy của tình trạng gian lận thi cử vừa qua, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: Một số đại biểu nghi ngờ khả năng những năm trước cũng có, nhưng chưa bị phát giác. Mặc dù nhận định như vậy là chưa có đủ cơ sở. Những gian lận trong kỳ thi năm 2018 được các đối tượng thực hiện một cách chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn và có tổ chức thì hoàn toàn có lý do để có thể kiến nghị mở rộng điều tra kỳ thi của những năm trước nữa. Một số đại biểu tỏ sự đồng tình rất cao, khi có thông tin các cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra đối với kỳ thi ở những năm trước.
Quay lại việc xử lý gian lận trong kỳ thi năm 2018, khi thảo luận tại phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến cho rằng cử tri kiến nghị xử lý phải đúng đối tượng, phải tâm phục, khẩu phục và việc xử lý trong thời gian vừa qua còn có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ.
“Tôi cho rằng, các cơ quan điều tra xét xử có thể sẽ bỏ lọt tội phạm khi chấp nhận lời giải thích nói như đùa của một số lãnh đạo địa phương khi có con được nâng điểm theo kiểu đưa người thân ra để chịu tội thay, bản thân thì coi như vô can trong sạch và tiếp tục trên con đường tiến thân. Hơn nữa, các cơ quan tố tụng ở cấp tỉnh mà tiến hành với các đối tượng, trong đó có lãnh đạo của chính tỉnh đó sẽ rất khó để bảo đảm sự khách quan. Đề nghị các ngành chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử cho đúng người, đúng tội”, đại biểu bày tỏ quan điểm.
Làm rõ chính sách “hình sự đặc biệt”
Đề cập đến các đại án tham nhũng thời gian qua, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh: Dư luận cho rằng một số vụ án tham nhũng lớn khi hành vi phạm tội đã được chứng minh, một số bị cáo đã nộp lại rất nhiều tiền và được cơ quan điều tra đề nghị cho hưởng chính sách hình sự đặc biệt.
“Chúng tôi cho rằng bất cứ người nào đã thực hiện tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Trường hợp thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, tự nguyện khắc phục hậu quả thì sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ”, đại biểu đề nghị.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan điều tra làm rõ “chính sách hình sự đặc biệt”. Vì chính sách này vừa không rõ về nội hàm, không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nào. Nếu muốn thực hiện thì cần quy phạm hóa để quyết định rõ trường hợp nào được áp dụng, đối tượng nào được áp dụng và nếu được áp dụng thì được hưởng những gì. Có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong việc áp dụng chính sách hình sự.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) |
Không để xảy ra những thảm kịch tương tự
Bày tỏ cảm xúc đau thương về vụ việc 39 nạn nhân chết ở Anh, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, trong sự việc này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời có những hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các công việc có liên quan, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân.
Theo đại biểu, những việc làm này là cần thiết nhưng chưa đủ, cần có sự nhìn nhận, đánh giá tình hình một cách nghiêm túc và rút ra những bài học để những thảm kịch đau lòng tương tự không tái diễn.
Vụ việc nêu trên xảy ra có nguyên nhân chủ yếu từ hành vi tổ chức, lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ phạm tội, từ nhận thức không đúng đắn của các nạn nhân nhưng không thể không nói đến nguyên nhân từ những hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý Nhà nước.
“Trong một số trường hợp còn chưa theo kịp, đi sau thực tiễn và chỉ khi tiêu cực xảy ra thì chúng ta mới bắt đầu tập trung, quan tâm hơn tới việc rà soát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, chấn chỉnh tình hình”, đại biểu nói.
Xử lý nghiêm đối tượng gây ô nhiễm môi trường
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) bày tỏ lo lắng và phẫn nộ trước thực trạng vi phạm pháp luật và xử lý tội phạm môi trường hiện nay, xâm hại nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, gây bức xúc đối với cử tri và nhân dân. Năm 2019 đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm, nhưng cơ quan điều tra chỉ khởi tố được 355 vụ và 395 bị can, xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt 243 tỷ đồng, số xử lý hình sự chỉ chiếm 1,58% so với số vi phạm được phát hiện.
“Tôi cho rằng việc xử lý vừa qua của các cơ quan chức năng là chưa đủ sức răn đe. Gần đây, vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước sông Đà khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng hơn 300.000 hộ gia đình ở Hà Nội. Vụ cháy ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông làm phát tán thủy ngân và một số hóa chất khác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh nhà máy. Tình trạng xả thải gây nguy hại môi trường vượt quy chuẩn cho phép tại nhiều khu, cụm công nghiệp”, đại biểu Hùng chỉ rõ.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Khởi tố vụ án, nếu xét thấy có dấu hiệu của tội phạm để áp dụng đầy đủ các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật để xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe, giáo dục chung về vi phạm pháp luật môi trường. Đồng thời chỉ đạo thanh, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, đặc biệt là việc xử lý nước thải trong thời gian qua.
Một số vụ việc liên quan đến sự cố môi trường của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lúng túng không kịp đưa ra những thông tin chính xác, hướng dẫn giải pháp để người dân phòng tránh, khắc phục. Do vậy, người dân không biết tin và bấu víu vào đâu.
Ý kiến ()