Mở rộng địa bàn hoạt động của hải quan: Sự cần thiết nhằm tăng hiệu quả chống buôn lậu
LSO-Với nhiệm vụ là “lá chắn bảo vệ nền kinh tế”, thời gian qua, hải quan Lạng Sơn ngoài việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, ngành còn tích cực tham gia công tác chống buôn lậu, ngăn chặn hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua khu vực cửa khẩu. Từ 1/1/2013 đến 15/8/2013, toàn Cục Hải quan Lạng Sơn đã bắt giữ, xử lý được 423 vụ buôn lậu. Theo đó, hải quan được đánh giá là lực lượng đứng thứ 2 về hiệu quả trong công tác chống buôn lậu trên địa bàn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành, cần mở rộng địa bàn hoạt động của lực lượng hải quan hơn nữa để tăng hiệu quả của công tác chống buôn lậu.
Kiểm tra hàng hóa nhập khẩu |
Ông Trần Bằng Toàn, Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng: Luật Hải quan hiện đang được Quốc hội bàn, thảo luận để tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Theo đó, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 15/8/2013, trong đó các ý kiến tập trung vào những nội dung: Tổ chức bộ máy hải quan; mở rộng thẩm quyền và sử dụng công cụ hỗ trợ cho hoạt động chống buôn lậu của hải quan; vấn đề quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan; hội nhập quốc tế và minh bạch hóa các chế độ, thủ tục… Riêng về nội dung mở rộng địa bàn hoạt động chống buôn lậu của ngành, ông Toàn cho biết rằng, nếu như được mở rộng địa bàn hoạt động, chắc chắn công tác chống buôn lậu của lực lượng hải quan sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Bởi, nếu địa bàn hoạt động được mở rộng đồng nghĩa với đó là thẩm quyền của lực lượng hải quan cũng được nâng lên, như vậy, hải quan có thể nâng cao thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của hải quan trong việc được phép tiến hành một số hoạt động điều tra một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xuất nhập khẩu. Trên thực tế, ngoài cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và ga Đồng Đăng, hoạt động XNK ở các Cửa khẩu khác như Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa phụ thuộc nhiều vào một số mặt hàng mùa vụ, chủ yếu là hoa quả và nông sản theo hình thức tự thỏa thuận giữa tư thương 2 nước. Từ nhiều năm nay, qua đấu tranh, lực lượng hải quan đã phát hiện và thu giữ hàng trăm vụ nhập lậu hàng điện tử, hàng hóa tiêu dùng và rất nhiều công-ten-nơ hàng hóa linh kiện điện tử, máy móc gian lận qua khai báo mã hàng hóa. Tuy vậy, do địa bàn hoạt động và xử lý của ngành chỉ bó hẹp trong phạm vi cửa khẩu, vì thế, việc xử lý không thể triệt để, khi hàng hóa vi phạm ra khỏi phạm vi cửa khẩu, muốn kiểm tra, xử lý lực lượng hải quan chỉ còn cách thông báo cho lực lượng nội địa.
Hiện nay, các đối tượng buôn lậu ngày càng có nhiều thủ đoạn hơn, không chỉ buôn lậu tại khu vực cửa khẩu, nhằm tránh sự truy quét của lực lượng chức năng, hoạt động buôn lậu diễn ra khá tinh vi, được tổ chức chặt chẽ từ khâu khai thác, tập kết đến vận chuyển đi tiêu thụ. Sau khi len lỏi theo các tuyến đường mòn, hàng lậu được tập kết tại khu vực đường biên chờ vận chuyển về nội địa tiêu thụ. Không những thế, con đường vận chuyển hàng lậu cũng được tổ chức chặt chẽ bởi mạng lưới “chim lợn” luôn theo dõi mọi hoạt động của lực lượng chức năng. Do vậy, nếu địa bàn hoạt động của hải quan được mở rộng thì mới có đủ không gia và thẩm quyền để truy đuổi, bắt giữ hàng lậu. Qua trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Chi cục Hải quan các cửa khẩu như Tân Thanh, Cốc Nam… cho biết, thực tế có những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vượt địa bàn kiểm soát hải quan. Quá trình xử lý các vụ việc này mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng: hải quan, biên phòng, công an… trên địa bàn. Trong trường hợp nếu công tác phối hợp bị gián đoạn sẽ làm hạn chế khả năng đấu tranh trực tiếp của lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng hải quan. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo sự quản lý chặt chẽ thì việc mở rộng địa bàn kiểm soát hải quan là phù hợp với thực tiễn và hết sức cần thiết.
Cụ thể, việc mở rộng địa bàn sẽ giúp cho ngành linh hoạt hơn trong quá trình xử lý công việc cũng như tạo cơ sở pháp lý để lực lượng này hoạt động. Việc làm này không những làm tăng hiệu quả của công tác chống buôn lậu, mà còn cho phép lực lượng hải quan xử lý dứt điểm vụ việc khi vượt địa bàn kiểm soát. Theo ông Hoàng Khánh Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, để vận chuyển hàng lậu qua biên giới, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn, thậm chí còn chống trả lại lực lượng chức năng. Do vậy, để làm tốt công tác chống buôn lậu, lực lượng hải quan ngoài công việc nắm tình hình địa bàn hoạt động còn phải trực tiếp tổ chức đấu tranh. Ở từng vụ việc cụ thể, nếu ngoài địa bàn kiểm soát, lực lượng hải quan phải phối hợp với lực lượng biên phòng, công an… thì việc xử lý dễ bị “cắt khúc”. Trên thực tế, để phát triển kinh tế, xã hội địa phương, việc hình thành, phát triển khu kinh tế cửa khẩu là tất yếu. Nhưng việc hình thành khu kinh tế cửa khẩu cũng kéo theo đó là việc mở rộng phạm vi cánh gà hai bên khu vực cửa khẩu. Do vậy, việc quy định địa bàn hoạt động hải quan tại Nghị định số 107/2002/NĐ-CP về tọa độ, khoảng cách… sẽ không còn phù hợp.
Cục trưởng Hoàng Khánh Hòa chia sẻ: nhiệm vụ của Hải quan Lạng Sơn không chỉ là thu ngân sách mà còn góp sức vào công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại để thúc đẩy, phát triển sản xuất – kinh doanh. Do vậy, dễ dàng nhận thấy, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu mở rộng địa bàn kiểm soát của lực lượng hải quan.
Ý kiến ()