Mở rộng cánh cửa tự chủ tuyển sinh
– Từ năm 2014, cánh cửa tự chủ tuyển sinh sẽ được mở rộng cho các trường ĐH-CĐ khi dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh được thông qua. Các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng vẫn có thể tiếp tục tham gia kỳ thi “3 chung”. Nhưng theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyển sinhh ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung” sẽ chấm dứt hoàn toàn trong vòng ba năm tới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ. Kỳ thi “ba chung” đã được thực hiện trong một giai đoạn dài và cũng đã thể hiện những ưu điểm của nó, tuy nhiên trên thực tế, mỗi trường ĐH-CĐ lại có những điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và kinh nghiệm tổ chức thi khác nhau, ngành nghề đào tạo khác nhau…dẫn đến những yêu cầu khác nhau về đầu vào.
Theo dự thảo này, các trường sẽ được khuyến khích, tạo điều kiện để thực hiện tự chủ trong tuyển sinh. Từng trường sẽ xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu, nội dung, quy định theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
“Từ nay, các trường có nhiệm vụ phải thực hiện tự chủ tuyển sinh, các trường tự làm chứ không còn phải “xin” Bộ.” Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường.
Tuy nhiên, với các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng trong vòng ba năm tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi “3 chung”, trường nào vẫn muốn “3 chung” thì có thể đăng ký tham gia. Thời gian ba năm này là lộ trình phù hợp cho các trường, cũng là để học sinh lớp 10 của năm nay có thể vẫn tham gia thi mà không có xáo trộn.
Dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh cũng đưa ra các yêu cầu đối với các trường tổ chức tuyển sinh riêng. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng phải đáp ứng đủ năm yêu cầu: Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức, cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; Thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc kỳ thi; Phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát; Công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh.
Đề án cũng quy định các nội dung của đề án tuyển sinh riêng tùy theo các phương án thi tuyển hay xét tuyển của trường hay thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Ngoài ba phương thức tuyển sinh này, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua phỏng vấn, viết luận thực hành, kiểm tra năng khiếu…Ngoài ra, phương án tuyển sinh riêng của các trường cũng phải đáp ứng các tiêu chí quy theo quy định.
Đáng chú ý, các trường có thể áp dụng tuyển sinh riêng cho một số ngành, khoa, trong khi các ngành khác của trường vẫn có thể tiến hành thi chung và một nhóm các trường có thể tiến hành chung một phương án thi tự chủ nếu thấy phù hợp. “ Như vậy, chúng ta sẽ thấy một bức tranh hết sức đa dạng.” Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định.
Dự kiến, các trường có thể tổ chức thi riêng tối đa hai lần trong năm. Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT đến cuối tháng 12 năm nay sẽ xác định rõ thời gian của các đợt thi tuyển sinh chung và riêng.
PGS.TS. Đỗ Quốc Anh – Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP. HCM cho rằng khi cánh cửa tuyển sinh riêng được mở rộng sẽ “tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các trường” và từ đây, sự tồn tại của mỗi trường như thế nào phải bằng chính chất lượng của mình.
Ý kiến ()