Mở rộng BRICS - bài toán cân não
Khả năng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng thành viên đã trở thành tiêu điểm trên nhiều phương tiện truyền thông trong bối cảnh khối này đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 24-8 tới.
Theo trang mạng The Conversation, một số quốc gia, chủ yếu ở Nam bán cầu, đang tìm cách gia nhập BRICS. Trong khi đó, 5 quốc gia thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng đang tìm cách phát triển quan hệ đối tác toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Johannesburg (Nam Phi) cho rằng, việc mở rộng thành viên sẽ không dễ dàng. Theo họ, BRICS vẫn tập trung vào việc hài hòa tầm nhìn của mình và các thành viên mới tiềm năng không dễ dàng thực hiện được. Bên cạnh đó, một số ứng cử viên thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến các thành viên sáng lập.
Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc thành lập BRIC vào năm 2001. Đến năm 2010, Nam Phi gia nhập, biến khối này thành BRICS. Hiện nay, BRICS chiếm khoảng 40% dân số và gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Do đó, khối này có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Các nhà quan sát cho rằng BRICS là một liên minh có thể đối trọng với Mỹ và châu Âu.
Với vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao, BRICS đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia. Hãng tin Reuters ước tính, hơn 40 quốc gia đang mong muốn gia nhập BRICS. Theo nhà ngoại giao Nam Phi Anil Sooklal, 13 nước đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối này hồi tháng 5 năm nay. Nhiều quốc gia trong số đó có tham vọng thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Động lực quan trọng khác khiến nhiều nước muốn gia nhập BRICS là khả năng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của khối này.
Đây là thực tế rõ ràng khi nhiều nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. NDB được thành lập với mục đích huy động nguồn lực cho những dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên BRICS cũng như những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Tất nhiên, một số quốc gia mong muốn gia nhập BRICS với cả hai mục đích trên, chẳng hạn như Iran. Reuters nhận định, Saudi Arabia, Belarus, Ethiopia, Argentina, Algeria, Iran, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là những ứng cử viên đáng chú ý.
BRICS được coi là liên minh có thể đối trọng với Mỹ và châu Âu. Ảnh: moderndiplomacy.eu |
Để mở rộng khối, 5 nước thành viên hiện tại của BRICS cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ra những ứng cử viên phù hợp nhất. Không chỉ xem xét hồ sơ của các ứng viên, 5 nước thành viên BRICS còn phải lưu ý đến mối quan hệ của họ với phương Tây. Nếu xét đến tiêu chí này, những quốc gia có nguyện vọng gia nhập BRICS như Saudi Arabia và Mexico dường như ít có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập trong ngắn hạn. Mặc dù hiện tại, cả hai quốc gia này có thể đang trải qua những mối quan hệ rạn nứt với Washington, nhưng Saudi Arabia và Mexico đã chứng minh được khả năng cải thiện quan hệ sau những bất đồng trước đây với Mỹ. Saudi Arabia có quan hệ hợp tác quốc phòng lâu dài với Mỹ, trong khi Mexico là đối tác thương mại số 1 của Mỹ. Ngoài ra, việc đánh giá các ứng cử viên tiềm năng còn phải tính đến mối quan hệ giữa họ và các thành viên cũ.
Khi BRICS mở rộng sẽ gây ra “cơn địa chấn” đối với trật tự thế giới, chủ yếu về mặt kinh tế. Một trong số các mục tiêu của khối là giảm phụ thuộc vào đồng USD, tức là phi USD hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, trở ngại đối với BRICS là phần lớn các nước trên thế giới chưa ủng hộ nỗ lực này. Mặc dù một số nước có thể phản đối sự thống trị của đồng USD, song họ vẫn coi đây là loại tiền tệ đáng tin cậy nhất.
Giới chuyên gia nhận định, nếu muốn việc mở rộng BRICS trở thành tác nhân thay đổi cục diện thế giới, khối này sẽ phải hành động. Tuy nhiên, việc có các đối thủ hoặc các quốc gia có mâu thuẫn với nhau cùng gia nhập dường như không phù hợp với mục tiêu đó. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Johannesburg cho rằng, để mở rộng khối một cách thận trọng và có chiến lược, các quốc gia thuộc BRICS dường như sẽ theo đuổi chiến lược BRICS , ít nhất là trong ngắn hạn. Nói cách khác, có thể xuất hiện các lớp thành viên khác nhau. Tư cách thành viên đầy đủ sẽ được cấp cho các quốc gia đáp ứng những tiêu chí của khối theo thời gian.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/mo-rong-brics-bai-toan-can-nao-738901
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()