Thứ 3, 11/02/2025 21:39 [(GMT +7)]
Mở rộng áp dụng hình phạt tiền
Thứ 7, 17/03/2012 | 13:01:00 [(GMT +7)] A A
Qua 11 năm thi hành, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là chưa thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp trong Nghị quyết 08/NQ-TW, Nghị quyết 49/NQ-TW. Trong tình hình mới, với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, việc sửa đổi toàn diện BLHS để các quy định của luật thực sự phù hợp với tình hình mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Giảm bớt hình phạt tử hình
Chủ trương cải cách tư pháp của Đảng là “hoàn thiện chính sách hình sự, bảo đảm yêu cầu đề cao hiệu quả phòng ngừa, hạn chế hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với các loại tội ít nghiêm trọng”.
Với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao thì việc thu hẹp dần phạm vi áp dụng, tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi đời sống xã hội là một xu thế tất yếu. Theo Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp), trong điều kiện hiện nay, chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội phạm thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, giết người, cướp của mà làm chết người.. còn đối với các loại tội phạm khác thì mức phạt cao nhất là chung thân cũng là thích đáng.
Bên cạnh đó, việc giảm bớt hình phạt tù với người phạm tội cũng đang được nghiên cứu trong định hướng sửa đổi BLHS lần này. Theo đó, hình phạt tù sẽ chỉ được áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng và những tội phạm xét thấy ở ngoài xã hội sẽ gây hại. Một số hành vi phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội sẽ được phi hình sự hóa, bổ sung một số tội phạm mới phát sinh như tài chính – kế toán, chứng khoán, bảo hiểm, lao động .. nhằm góp phần đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực này.
Đặc biệt, chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội cũng sẽ được hoàn thiện theo hướng bổ sung quy định trả tự do có điều kiện, quy định miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù, xử lý chuyển hướng.
Hiện nay, một số vụ án giết người nghiêm trọng mà người thực hiện hành vi đó là người chưa thành niên khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp, (Trưởng ban biên soạn BLHS 1999) cho rằng, không thể sửa luật để tử hình vì như thế là vi phạm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Theo luật định, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây là nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.
Định tính hay định lượng ?
Trên thực tế, việc chia tội phạm thành quá nhiều mức độ nguy hiểm khác nhau như hiện nay (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) khiến cho thực tiễn áp dụng gặp nhiều khó khăn. Việc xác định các tình tiết có tính chất định lượng như thu lợi bất chính lớn, rất lớn cũng rất khó. Với các vùng quê nghèo, miền núi, số tiền hai triệu là giá trị hay gây hậu quả lớn nhưng lại không là gì với người dân thành thị. Đối với các tội phạm về môi trường, tham nhũng, kinh tế… khi bị định lượng quá mức đều “mắc” trong quá trình xử lý.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, để các quy định của BLHS bảo đảm sự an toàn tốt hơn cho người dân, BLHS nên xây dựng các quy phạm có tính chất định tính, không định lượng. Tuy nhiên để đạt được điều này đòi hỏi các thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ của mình.
Tiến sĩ Lê Văn Cảm, Trưởng khoa Tư pháp Hình sự, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, BLHS mới có thể kèm theo một phụ lục có tính chất gợi ý như thế nào là giá trị lớn, thế nào là nguy hiểm, thế nào là nghiêm trọng: “Nếu chúng ta cứ đi theo BLHS năm 1999 định lượng cụ thể tội phạm thì sẽ rất khó khăn cho công tác xét xử”. Đại diện của Tòa án nhân dân tối cao cũng nhất trí với quan điểm này đồng thời cho rằng nên có quy định tạo điều kiện cho các thẩm pháp áp dụng án lệ. Thực tế, một số tòa án địa phương cũng đã nghiên cứu áp dụng theo tập án lệ của tòa án nhân dân tối cao trong quá trình xét xử của mình.
Một điểm mới sẽ được xem xét sửa đổi trong lần tới này chính là việc bổ sung đối tượng điều chỉnh của luật. Trong nền kinh tế thị trường, nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì lợi nhuận đã bất chấp sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản xâm hại đến lợi ích của cá nhân, của một nhóm người hoặc thậm chí là của cả cộng đồng người như hành vi hủy hoại hoặc làm ô nhiễm môi trường, hành vi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, đối tượng trừng trị sẽ không chỉ là cá nhân mà còn bao gồm cả những pháp nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế nhằm truy xét đến cùng trách nhiệm đối với hành vi phạm tội.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()