Mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Đúng như kỳ vọng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 10 và 11/9 đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với việc lãnh đạo hai nước tuyên bố thiết lập “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững” và nhiều thoả thuận hợp tác có tính đột phá, xứng tầm với việc nâng cấp quan hệ đã được công bố.
Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt và được cả hai bên đánh giá là “lịch sử” này được thực hiện đúng vào thời điểm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023) và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam (1973-2023). Nửa thế kỷ đã trôi qua và từ cựu thù, giờ đây hai nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Đó thực sự là một kỳ tích mà ít ai có thể hình dung được vào thời điểm 50 năm trước đây.
Xa hơn nữa, cách đây gần 80 năm, với tầm nhìn xa trông rộng của mình, ngay những ngày đầu mới lập lên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Hoa kỳ. Theo Hồ sơ của Lầu Năm Góc đã được giải mật năm 2011 thì chỉ trong vòng chưa tới 1 năm, từ tháng 9/1945 đến 2/1946, Người đã có 10 lần viết thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman và Ngoại trưởng James Byrnes đề nghị Mỹ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam (Thư gửi Ngoại trưởng Mỹ 26/11/1945) và nêu rõ mục tiêu của Việt Nam là “độc lập hoàn toàn và hợp tác đầy đủ với Hoa kỳ” (Thư gửi Tổng thống Truman 16/2/1946), đồng thời đề nghị một số lĩnh vực hợp tác cụ thể về kinh tế, văn hoá, giáo dục và quân sự
Nếu như những đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần 80 năm được Chính quyền Mỹ lúc đó quan tâm đáp ứng thì lịch sử hai nước có thể đã khác hẳn. Nhưng rất tiếc Chính quyền Mỹ lúc đó đã bỏ qua. Lần này, chính phía Mỹ lại chủ động đặt vấn đề nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới. Bản thân điều này cho thấy Chính quyền Mỹ ngày nay đã thực sự coi trọng chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam, cũng như vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam ở cả tầm khu vực và trên thế giới. Tại Hà Nội, Tổng thống Joe Biden khẳng định rõ ràng “Việt Nam là quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực”.
Với việc nâng tầm quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó có cả 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hơn thế nữa, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có thể xác lập và duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng lúc với cả 3 cường quốc hàng đầu trên thế giới là Trung Quốc, Nga và Mỹ. Điều đó vừa khẳng định tính đúng đắn của chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ của Việt Nam, vừa là minh chứng rõ ràng của vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam đều được các nước đánh giá cao.
Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, Việt Nam vẫn lựa chọn con đường của chính mình, không đi với bên này chống bên kia. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tất cả vì lợi ích quốc gia-dân tộc, vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Và các cường quốc hàng đầu trên thế giới đều tôn trọng đường lối đối ngoại đó của Việt Nam với việc họ đều muốn duy trì và phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Tuyên bố chung thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản đã được hai bên thống nhất khi xác lập đối tác toàn diện cách đây 10 năm, đó là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và thể chế chính trị của nhau. Bản thân chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là sự khẳng định Mỹ đã tuân thủ cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Đây chính là tiền đề rất quan trọng để hai nước củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác ở tầm vóc mới trong khi tiếp tục xử lý những khác biệt trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam giờ đã khác trước rất nhiều. Việt Nam ngày nay là một đất nước với 100 triệu dân, một nền kinh tế phát triển năng động có quy mô xếp thứ 36 trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện với 16 hiệp định thương mại tự do FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam ngày nay đã ở vị thế tốt hơn để có thể tăng cường hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi với Mỹ và các quốc gia khác. Việt Nam cũng có khả năng tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuyên bố chung khẳng định hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo được hai bên xác định là lĩnh vực hợp tác trọng tâm, nền tảng và động lực của quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế thương mại trong bối cảnh mới sẽ mang những nội dung mới, rất quan trọng cho sự phát triển của cả hai nước, đó là hợp tác trong nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.
Tăng cường hợp tác khoa học công nghệ được xác định là lĩnh vực mang tính đột phá mới. Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm cũng sẽ được chú trọng.
Giáo dục đào tạo là một lĩnh vực hợp tác quan trọng, mang tầm chiến lược bởi lẽ con người luôn là yếu tố quyết định. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này. Chỉ hai tháng sau Ngày tuyên bố độc lập, Người đã nêu đề nghị cử 50 tri thức Việt Nam sang học tập ở Mỹ (Thư gửi Ngoại trưởng Mỹ ngày 1/11/1945). Ngày nay số sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Mỹ đã là 30.000 người. Lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này, coi đây là một lĩnh vực trọng yếu và lâu dài.
Khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được hai bên xác định là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc rà vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tẩy rửa ô nhiễm môi trường do chất độc dioxin gây ra, mở rộng chương trình giúp đỡ người khuyết tật, việc quy tập hài cốt của những quân nhân của cả hai bên còn mất tích trong chiến tranh. Đây không chỉ là công việc có tính chất nhân đạo. Đây còn là lương tâm, là trách nhiệm. Việc giải quyết tốt những vấn đề này cũng sẽ tạo điều kiện để hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu đầy tham vọng, phấn đấu tới 2030 Việt Nam là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, và năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội cũng xác định mục tiêu trong công tác đối ngoại là “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc”, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, cùng với việc tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác quan trọng khác nhằm tận dụng mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài, chính là sự triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc lãnh đạo hai nước nhất trí xác lập Đối tác chiến lược toàn diện là có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng cũng chỉ mới là bước khởi đầu. Quan trọng hơn đó chính là việc các bộ ngành và nhân dân hai nước sẽ triển khai, hiện thực hoá những thoả thuận của lãnh đạo cấp cao trong thời gian tới như thế nào.
Ngạn ngữ tiếng Anh có câu “where there is a will, there’s a way”. Miễn là hai bên cùng có ý chí, quyết tâm vượt qua mọi rào cản, tôn trọng các cam kết, đổi mới và sáng tạo trong hợp tác, tôi tin tưởng rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa kỳ sẽ có những đột phá mới, đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/mo-ra-chuong-moi-trong-quan-he-viet-nam-hoa-ky-102230911221616502.htm
Ý kiến ()