Mở lối cho công nghiệp âm nhạc Việt Nam
Tọa đàm "Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc" do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì đã góp phần tìm ra những giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí trong âm nhạc, nhất là trong bối cảnh có rất nhiều show diễn, chương trình âm nhạc quy mô lớn rất thành công như hiện nay.

Sự kiện diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh quy tụ các nhà quản lý cấp cao và đại diện những doanh nghiệp đầu ngành nhằm tìm kiếm giải pháp đột phá cho ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
Buổi đối thoại vừa là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025, đồng thời cũng cho thấy các cơ quan quản lý đang ngày càng bám sát với những "mạch đập" của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh lĩnh vực công nghiệp văn hóa-giải trí ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam, việc lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, từ những đơn vị đang trực tiếp tham gia sản xuất và định hướng phát triển nền âm nhạc Việt là vô cùng cần thiết.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Bản quyền tác giả nhấn mạnh, để âm nhạc thực sự trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, không thể chỉ tập trung vào sáng tạo nội dung mà cần một hệ sinh thái đồng bộ.
Ông Hoàng cũng đặc biệt đề cao sức mạnh của sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu: từ sản xuất, biểu diễn, kỹ thuật đến doanh nghiệp, đồng thời chỉ rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện chính sách bản quyền và liên tục phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ - những yếu tố then chốt tạo nên một "hệ sinh thái âm nhạc lành mạnh, có sức cạnh tranh".
Nhìn từ góc độ quản lý biểu diễn, Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc thẳng thắn thừa nhận những thách thức không nhỏ trong việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật hiện nay, kể cả khi có sự góp mặt của những tên tuổi lớn. Tuy nhiên, ông cũng mang đến tín hiệu lạc quan: "Ngày càng nhiều địa phương thể hiện sự sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ địa điểm, hạ tầng với ngân sách phù hợp". Theo ông, đây chính là "bệ phóng" quan trọng, tạo điều kiện cho các sự kiện âm nhạc ngày càng chuyên nghiệp, đa dạng và tiệm cận với xu hướng quốc tế.

Ngoài chia sẻ từ các nhà quản lý, tọa đàm cũng có ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân An - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn YeaH1, đơn vị tổ chức thành công các sự kiện âm nhạc quy mô "khủng", thu hút hàng chục ngàn khán giả như "Anh trai vượt ngàn chông gai" và gần đây nhất là "Chị Đẹp Concert" đề xuất, để những sự kiện nghệ thuật tầm cỡ như vậy có thể diễn ra thường xuyên, bài bản và bền vững, rất cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành nhằm xây dựng một môi trường tổ chức thuận lợi, rõ ràng về quy hoạch và thủ tục. Trong đó, “bài toán” về địa điểm là yếu tố then chốt, không chỉ giúp bảo đảm điều kiện tổ chức tối ưu, mà còn mở ra cơ hội đưa concert Việt vươn tầm khu vực, thu hút nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn tại Việt Nam, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển liên ngành, đặc biệt là du lịch.
Ngoài ra, các sự kiện văn hóa, đặc biệt là sự kiện quy mô lớn cần được hỗ trợ bằng những hướng dẫn thống nhất và cụ thể liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, như: phương án giao thông, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, quy trình xin phép đồng bộ. Bởi việc có một bộ khung hướng dẫn chung sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng lên kế hoạch, tiết kiệm thời gian triển khai, đồng thời góp phần bảo đảm chất lượng và an toàn cho cả nghệ sĩ, khán giả và địa phương tổ chức.
Không dừng lại ở việc tiếp nhận ý kiến, buổi đối thoại còn mở ra nhiều định hướng tích cực cho tương lai. Các đại diện của các doanh nghiệp tham dự có chung quan điểm, để ngành công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực âm nhạc nói riêng được phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nghệ sĩ và chính quyền địa phương. Sự kết nối này sẽ góp phần tạo nên môi trường sáng tạo tích cực, đồng thời giúp chính sách được xây dựng sát thực tiễn, phát huy hiệu quả rõ rệt trong quá trình triển khai.
Buổi đối thoại đã thực sự trở thành cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nghệ sĩ. Những ý kiến đóng góp tâm huyết từ YeaH1 và các đơn vị khác được kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin giá trị, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, "tiếp lửa" cho ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, chuyên nghiệp và vươn tầm quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.

Ý kiến ()