Mở hướng phát triển sản phẩm đặc sản Bắc Sơn
LSO-Vỏ quýt có hơn 20 tác dụng trong việc điều trị các chứng bệnh, làm đẹp… Để đặc sản quýt Bắc Sơn phát triển hơn nữa, nhóm tác giả đã chưng cất thành công tinh dầu từ vỏ quýt. Nếu được đầu tư đúng mức thì đây không chỉ là sản phẩm riêng của huyện Bắc Sơn mà có thể sánh ngang với tinh dầu hồi, dầu quế của tỉnh Lạng Sơn.
Nhóm tác giả đóng gói những sản phẩm đầu tiên |
Quả Quýt ngoài ăn tươi thì phần vỏ còn có rất nhiều công dụng trong điều trị bệnh, làm đẹp như: an thần, trị chứng say tàu xe, khó tiêu hóa, trị viêm phế quản, ho, đau đầu, chữa rạn da, chống khô nẻ, nấm móng… Nhận thấy những tác dụng của vỏ quýt, từ tháng 10/2014 đến tháng 2/2015, nhóm tác giả Hoàng Vân Anh và Phan Văn Thắng, thôn Hồng Sơn, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn đã nghiên cứu và chưng cất thành công tinh dầu từ vỏ quýt Bắc Sơn. Chị Hoàng Vân Anh, giáo viên Trường THCS Vũ Sơn, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: mỗi mùa quýt đến, lượng quả bị rụng trong các lân, lũng rất nhiều. Những quả này, nông dân thường cứ để thối như vậy chứ không tận dụng được. Cùng với đó, một lượng lớn vỏ quýt sau ăn chưa được tận dụng. Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao có thể sấy vỏ quýt khô nhanh, khô đều để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc làm gia vị. Thế rồi trong quá trình làm lò sấy, ý tưởng chưng cất tinh dầu hình thành.
Để có được những giọt tinh dầu đầu tiên, nhóm mất hơn 6 tháng nghiên cứu tài liệu, tìm ra phương pháp chưng cất và cần đến hơn 1 tạ vỏ quýt khô. Anh Phan Văn Thắng, thôn Hồng Sơn, xã Vũ Sơn chia sẻ: mình đã nghiên cứu các phương pháp tách tinh dầu quế, hồi, bưởi… và áp dụng để chiết xuất tinh dầu từ vỏ quýt, tuy nhiên đều không thành công. Qua hàng chục lần thử nghiệm, thay đổi dẫn chất, điều chỉnh nhiệt độ lò, cải tiến thiết bị tinh chế, cuối cùng cũng cho ra những giọt tinh dầu đầu tiên với mùi thơm đặc trưng của quýt Bắc Sơn mà không đâu có được. Muốn điều chế được tinh dầu quýt có mùi thơm đặc trưng, vỏ quýt phải được tuyển chọn từ quả của những cây quýt trồng sâu trong lân, lũng xung quanh được bao bọc bằng núi đá và phải trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Nhóm tác giả đã thử chưng cất tinh dầu từ nhiều loại quýt, trồng ở những địa bàn khác nhau như quýt Tràng Định, Chi Lăng, Bắc Kạn, vùng núi đất của Bắc Sơn… Song sản phẩm không có mùi đặc trưng. Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của tinh dầu quýt Bắc Sơn với những sản phẩm khác. Tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật năm 2016, sản phẩm tinh dầu quýt Bắc Sơn đã đoạt giải 3 cấp tỉnh.
Từ những giọt tinh dầu đầu tiên, đến nay, nhóm tác giả đã chiết xuất được hơn 1.500 ml tinh dầu, bước đầu cung cấp cho khách hàng trong huyện và trên địa bàn tỉnh. Hiện sản phẩm tinh dầu quýt trong nước chủ yếu được nhập Ấn Độ với giá rất cao, trong nước chưa có đơn vị nào sản xuất thành công sản phẩm này. Bà Hà An Quế, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: tôi đã dùng tình dầu quýt để xông hương và thấy mùi thơm rất dễ chịu, không chỉ có vậy, nó còn giúp thư giãn, làm giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Tuy đã chưng cất thành công tinh dầu song việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá thương hiệu nhóm còn rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, thiết bị chưng cất do tác giả tự chế tạo từ những vật dụng thô sơ nên thường gặp sự cố trong quá trình chưng cất nên rất cần có sự đầu tư về tài chính để hoàn thiện. Để sản phẩm được quảng bá rộng và trở thành sản phẩm mang đặc trưng như tinh dầu quế, hồi thì rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ, quảng bá sản phẩm.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()