Mở hướng phát triển mới cho thị trường viễn thông
Các kỹ sư của VNPT tối ưu hóa hệ thống, bảo đảm thông tin liên lạc cho người dân.
Nhiều kết quả nổi bật
Dấu mốc nhà mạng Viettel chính thức thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Hà Nội (tháng 5-2019) cũng như phát sóng thành công tại TP Hồ Chí Minh (tháng 9-2019) đã đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu khu vực ASEAN trong triển khai thương mại 5G. Hai nhà mạng lớn khác là VNPT và MobiFone cũng đã đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị để chuẩn bị khởi động công nghệ mới này. Ðúng theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) sẽ cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp (DN) ngay trong năm 2020. Ðây có thể coi là lời khẳng định của ngành ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ luôn đi cùng nhịp về công nghệ với những nước dẫn đầu thế giới.
Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2019, đã có khoảng một triệu thuê bao chuyển mạng giữ số thành công, đạt tỷ lệ trên tổng số người đăng ký dịch vụ là hơn 82%. Có thể thấy, tỷ lệ này đã tăng đáng kể so với thời điểm ban đầu triển khai dịch vụ (dưới 50%) cho thấy chính sách chuyển mạng giữ số đã được triển khai hiệu quả, trở thành động lực buộc các DN di động phải tập trung tăng cường năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Cũng trong năm vừa qua, dưới sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, tình trạng tồn tại từ rất lâu của thị trường viễn thông như SIM rác hay tin nhắn rác đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Bộ TT và TT, khoảng 17 triệu SIM rác đã bị “cắt gọt” trong năm 2019 và hiện ước tính chỉ còn gần bảy triệu SIM rác lưu hành trên thị trường (chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động); số lượng phản ánh tin nhắn rác cũng giảm tới 90%.
Mặt khác, kết quả kinh doanh khá của các DN di động cũng phần nào phản ánh bức tranh tươi sáng của ngành viễn thông trong năm vừa qua. Theo báo cáo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2019 đạt 167.983 tỷ đồng, tăng 2,7%; lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng, tăng 10% so thực hiện năm trước. Một nhà mạng khác là MobiFone cũng đạt được những kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan dù đi qua một năm 2019 đầy khó khăn và thử thách. Kết thúc năm, mức lợi nhuận trước thuế của MobiFone ước đạt 6.078 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2018; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tiếp tục duy trì ở mức cao, ước đạt 23,9%.
Tăng dư địa cho phát triển
Tuy nhiên, sự phát triển của viễn thông Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Theo Bộ TT và TT, vướng mắc lớn là khung pháp lý điều chỉnh toàn bộ hoạt động của lĩnh vực viễn thông như vấn đề về đấu giá kho số, quản lý giá cước hay các dịch vụ,… chưa hoàn chỉnh và tạo linh hoạt cho DN trong kinh doanh. Thậm chí, nhiều quy định đã lạc hậu, đã và đang trở thành điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của viễn thông. Thêm vào đó, việc thực thi pháp luật của các đối tượng quản lý chưa nghiêm túc, luôn tìm kẽ hở để kinh doanh trục lợi. Ðáng ngại hơn, thị trường viễn thông đã gần như bão hòa, khó phát triển thuê bao mới, trong khi doanh thu từ các dịch vụ truyền thống như thoại và tin nhắn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của các nhà mạng (gần 77%); doanh thu từ dịch vụ dữ liệu mới đạt hơn 23% (trung bình của thế giới là hơn 43%).
Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ: Năm 2019 tiếp tục chứng kiến sự suy giảm doanh thu từ các dịch vụ viễn thông truyền thống. Cụ thể với VNPT, dịch vụ thoại giảm 18% trong năm 2019, trong khi dịch vụ dữ liệu dù tăng gấp ba lần, nhưng doanh thu lại không tăng tương ứng, nghĩa là chưa bù đắp được phần giảm của các dịch vụ truyền thống. Thị trường bão hòa cũng khiến cạnh tranh quá mức, và hệ lụy là gây ra nhiều vấn đề như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác,… rồi đến quảng cáo và lừa đảo qua di động, làm ảnh hưởng trật tự xã hội, quyền lợi của người dân cũng như an toàn thông tin.
Ðể tạo thêm dư địa cho các DN viễn thông phát triển, Thứ trưởng TT và TT Phạm Hồng Hải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm mở rộng không gian hoạt động cho các DN viễn thông để phát triển các dịch vụ mới như thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng số,… Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách để huy động, chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới; thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành ICT, hạ tầng 4.0; chuyển hướng sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm “Make in Vietnam” và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số. Ðáng chú ý, sẽ tập trung thúc đẩy cơ chế sandbox trong triển khai các dịch vụ mới, không gian mới cho việc phát triển của các DN viễn thông. Về phía các DN, nhiều chuyên gia kiến nghị cần chủ động tiến tới làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị hạ tầng ICT. Một điểm quan trọng là các DN nên phát triển mô hình sử dụng chung cơ sở hạ tầng, “đi cùng nhau để thoát khỏi gánh nặng”, nhờ đó đi được nhanh hơn để tiến cùng thế giới trong việc triển khai các công nghệ mới.
Tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam năm 2019 ước đạt 469,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,67% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 134 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,53% doanh thu toàn ngành. Tính đến hết năm 2019, số thuê bao di động cả nước đạt 125,8 triệu thuê bao, giảm 3,5% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số thuê bao băng rộng di động (3G, 4G) lại có sự gia tăng, đạt 61,3 triệu thuê bao, tăng 16,1% so cùng kỳ và chiếm 48,7% tổng số thuê bao hiện có. Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông |
Ý kiến ()