Mở hướng phát triển kinh tế cửa khẩu
LSO - Với lợi thế là một tỉnh miền núi biên giới, những năm qua cấp ủy, chính quyền, nhân dân Lạng Sơn đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với nước bạn. Một trong những hợp tác thành công và mang lại hiệu quả là chủ động đấu nối giao thông tại các khu vực cửa khẩu, chợ biên giới.
LSO – Với lợi thế là một tỉnh miền núi biên giới, những năm qua cấp ủy, chính quyền, nhân dân Lạng Sơn đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với nước bạn. Một trong những hợp tác thành công và mang lại hiệu quả là chủ động đấu nối giao thông tại các khu vực cửa khẩu, chợ biên giới.
Nâng cấp, đấu nối đường ra cặp chợ cửa khẩu Bảo Lâm (Cao Lộc)
So với nhiều tỉnh biên giới khác, Lạng Sơn có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc khá dài. Đường biên giới sau phân giới cắm mốc là trên 231 km. Có nhiều cặp chợ, đường mòn, đường tắt qua lại với nước bạn nên rất thuận tiện cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai nước. Những năm gần đây, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng được tăng lên. Riêng với Lạng Sơn từ năm 2008 đến 2012, trung bình mỗi năm kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên là một tỉnh miền núi nên hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đường giao thông đi lại tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất nhập khẩu hàng hóa. Vào thời điểm cuối năm, mùa nông sản, hiện tượng ách tắc hàng hóa cục bộ liên tục diễn làm chậm quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa.
Xác định để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, một trong những quan tâm hàng đầu của lãnh đạo tỉnh là mở rộng đấu nối đường giao thông cùng mức qua các cặp chợ, cửa khẩu biên giới. Suốt từ năm 2009 đến nay, qua tiếp xúc hội đàm việc đấu nối giao thông luôn được đại diện hai nước, hai tỉnh hết sức quan tâm. Chủ trương đấu nối nhanh để khai thác phát triển kinh tế đã được đưa vào nhiều cuộc tiếp xúc hội đàm, đưa vào các văn kiện của hội nghị ủy ban công tác liên hợp để lãnh đạo hai tỉnh, thống nhất nhận thức chung. Qua đó, hai bên đều thấy rõ khi đấu nối sẽ tạo đà phát triển kinh tế. Bắt đầu từ năm 2011, tỉnh đã tập trung đấu nối 4 vị trí: Na Hình, Cốc Nam, Tân Thanh, Chi Ma. Ngay sau khi đấu nối các xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu đã không còn phải chuyển qua hai chặng, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa. Tại Cửa khẩu Cốc Nam, sau khi đấu nối đã thu hút một lượng lớn xe chở hàng của nước bạn vào các Bãi xe số 1 Cửa khẩu , Bãi xe Quang Tâm tạo điều kiện cho thu phí sử dụng bến bãi theo Quyết định 26 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ông Hà Hồng, nguyên Phó ban Thường trực Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn khẳng định, một trong những thành công nhất của tỉnh là đấu nối đường cửa khẩu với nước bạn, từ đó đã giúp thông thương, chuyển hàng hóa nhanh, tạo đà cho thu phí sử dụng bến bãi, mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh. Có thể coi đây là cách làm sáng tạo của Lạng Sơn để khai thác tiềm năng kinh tế cửa khẩu. Sau khi đấu nối thành công 4 vị trí cặp chợ, cửa khẩu tỉnh tiếp tục mở rộng diện đấu nối ở các vị trí xuất nhập khẩu hàng hóa thuận tiện như Nà Nưa- Nà Hoa, Bảo Lâm- Dầu Ái, Ba Sơn- Bắc Sơn (Pắc Sắn). Khi hình thành các điểm đấu nối các lực lượng chức năng đã có điều kiện thành lập các đội công tác để phục vụ, thu hút doanh nghiệp tạo nguồn thu cho tỉnh.
Tính trong năm 2012, thu thuế xuất nhập khẩu đã đạt trên 2.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay thu thuế xuất nhập khẩu đã đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng trên 14% so với cùng kỳ. Từ đấu nối đường cửa khẩu đã thu hút một lượng lớn xe hàng đến với Lạng Sơn. Qua đó đã tạo cho tỉnh có nguồn thu phí dự ước 200 tỷ đồng mỗi năm để tái đầu vào khu kinh tế cửa khẩu. Giao thông phát triển qua đấu nối đã tạo đà cho các dịch vụ phát triển theo như: hệ thống bến bãi, kho chứa hàng xuất nhập khẩu, nơi trung chuyển hàng. Những loại hình dịch vụ đó đã tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho cư dân biên giới. Ông Lộc Văn Tú, trú tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc tâm sự, từ ngày đấu nối đường, xe hàng đi lại nhiều hơn, vì thế chúng tôi có thêm công ăn việc làm. Nhân dân yên tâm sản xuất, làm dịch vụ.
Có thể nói, đấu nối đường cửa khẩu, chợ biên giới đã tạo đà cho kinh tế cửa khẩu phát triển, tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa, thu hút doanh nghiệp cả nước đến với Lạng Sơn. Đây cũng là giải pháp tạo nguồn lực tái đầu tư cửa khẩu, mở hướng phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trong tương lai.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông Bắc

Ý kiến ()