Từ quê hương xứ dừa Bến Tre lên vùng biên giới Đác Lắc lập nghiệp vào những năm 2003-2004 theo Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, đến nay hơn 1.000 hộ dân ở xã Ia R'vê, huyện Ea Súp (Đác Lắc) đã từng bước ổn định cuộc sống, gắn bó với vùng đất này như quê hương thứ hai của mình.Cán bộ Đồn Biên phòng Ia R'vê, huyện Ea Súp hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím cho gia đình ông Nguyễn Văn Sánh. Chủ tịch UBND xã Ia R’vê Lê Hải chia sẻ, cuộc sống của người dân xứ dừa ở đây có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành từ T.Ư đến địa phương, trong đó thường xuyên và gần gũi nhất là các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Các Trung đoàn 737, 739 (Binh đoàn 16) và Đồn Biên phòng Ia R’vê (Bộ đội Biên phòng Đác Lắc) không chỉ đóng vai trò "bà đỡ" cho người dân trong ổn định cuộc sống, mà còn trực tiếp tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng, hoạch định...
Từ quê hương xứ dừa Bến Tre lên vùng biên giới Đác Lắc lập nghiệp vào những năm 2003-2004 theo Dự án phát triển kinh tế – xã hội vùng biên, đến nay hơn 1.000 hộ dân ở xã Ia R'vê, huyện Ea Súp (Đác Lắc) đã từng bước ổn định cuộc sống, gắn bó với vùng đất này như quê hương thứ hai của mình.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia R'vê, huyện Ea Súp hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím cho gia đình ông Nguyễn Văn Sánh.
Chủ tịch UBND xã Ia R’vê Lê Hải chia sẻ, cuộc sống của người dân xứ dừa ở đây có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành từ T.Ư đến địa phương, trong đó thường xuyên và gần gũi nhất là các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Các Trung đoàn 737, 739 (Binh đoàn 16) và Đồn Biên phòng Ia R’vê (Bộ đội Biên phòng Đác Lắc) không chỉ đóng vai trò “bà đỡ” cho người dân trong ổn định cuộc sống, mà còn trực tiếp tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biên giới ngày một vững mạnh hơn.
Ngoài việc được cấp đất (1 ha/hộ) để canh tác, bảo đảm an ninh lương thực, người dân còn được giao khoán trồng rừng cho Binh đoàn 16 để phát triển kinh tế lâu dài. Hộ nhiều thì 10 đến 12 ha, hộ ít cũng 5 đến 7 ha, nhờ vậy đời sống của người dân ở đây nhanh chóng được cải thiện. Chỉ sau vài năm, bộ mặt nông thôn ở vùng biên Ea Súp đã đổi thay đáng kể. Những cánh rừng keo, tràm được phủ xanh ngút ngàn từ Đồn Biên phòng Ia R’vê sang tận lâm phần Ya Lốp, Rừng Xanh… Dọc dài theo những cánh rừng ấy là những con đường ngang dọc mở ra cùng với lưới điện thắp sáng được kéo về để phục vụ đời sống bà con. Khi cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cũng là lúc các mô hình kinh tế ở đây bắt đầu phát triển. Từ năm 2009, diện tích lúa của Ia R’vê đã được khai hoang, mở rộng lên tới 2.500 ha. Mặc dù chỉ làm được một vụ, nhưng sản lượng lúa ở đây không những đủ phục vụ nhu cầu lương thực tại chỗ cho hơn 5.500 nhân khẩu, mà còn được bán ra cho nhiều vùng khác, mỗi năm khoảng 5.000 đến 6.000 tấn. Ông Lê Hải đánh giá: Cây lúa của người dân xứ dừa trên vùng biên này đã trở thành hàng hóa chủ lực, từng bước mở đường cho nhiều hộ liên kết cùng nhau làm giàu. Xa hơn nữa là góp phần cùng nhiều địa phương khác như Ea Lê, Ea Rôk, Ea Bung, Ia T’mốt… hình thành nên vựa lúa rộng lớn trên bình nguyên Ea Súp.
Để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, trong năm 2010, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê, các Trung đoàn 737, 739 đã đứng ra mở nhiều lớp tập huấn cho nhân dân về kỹ thuật chăn nuôi bò dưới tán rừng và nuôi nhím theo mô hình trang trại. Những hộ gia đình như anh Lê Hữu Khang, bác Đặng Quang Dinh (thôn 4) đã có vốn kinh tế khá vững vàng nhờ mô hình nông lâm kết hợp này. Hơn 6 ha rừng trồng và đàn bò gần 20 con của gia đình bác Dinh, anh Khang là tài sản đáng kể sau hơn bảy năm gây dựng trên vùng quê mới. Nhiều hộ gia đình khác có diện tích rừng ít hơn, không đủ điều kiện chăn thả gia súc thì được đầu tư công sức trồng rau quả và các loại vật nuôi khác. Đại úy Hoàng Kim Lương, Đồn phó Đồn Biên phòng Ia R’vê cho biết: Ở các thôn 12, 13 và 14 người dân đã có thu nhập khá cao nhờ mô hình trồng bí đỏ cao sản từ hai năm nay. Mỗi gia đình trồng bình quân 1 ha, hằng năm thu về hơn 40 triệu đồng/hộ. Số tiền tuy không nhiều, nhưng bền vững, giúp bà con gắn bó với đất đai, ruộng đồng của mình, chấm dứt tình trạng vào rừng xâm hại lâm sản trái phép. Mới đây, đầu tháng 10-2011, Đồn Biên phòng Ia R’vê đã triển khai mô hình nuôi nhím giống và thương phẩm cho một số hộ ở thôn 5, bước đầu hứa hẹn thành công nhờ có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo. Ông Nguyễn Văn Sánh – hộ nuôi nhím nhận định: Với sự “bảo trợ” về mặt pháp lý của đồn (có đăng ký với cơ quan kiểm lâm sở tại về các điều kiện, quy định nuôi nhốt động vật hoang dã), đồng thời cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tại nhà và tìm đầu ra cho sản phẩm… ai cũng tin rằng đây là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại gia đình ông Sánh được hợp thức hóa hai con nhím săn bắt từ rừng để gây giống. Kỹ thuật nuôi nhốt nhím sinh sản cũng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê đầu tư, hướng dẫn tận tình nên khả năng thành công cao. Ông Sánh cho biết: Nếu không có gì thay đổi, vài tháng tới, gia đình ông sẽ có lứa nhím giống đầu tiên. Từ mô hình này sẽ nhân rộng ra nhiều nơi, là bước đi ban đầu giúp người dân nâng cao kinh tế hộ gia đình cùng các nguồn thu nhập khác từ làm lúa, rau màu, trồng rừng…
Thượng tá Nguyễn Đức Hùng – Chính ủy Trung đoàn 737 đánh giá, đời sống của người dân xứ dừa trên vùng biên giới này dù chưa thật sự sung túc, đầy đủ… nhưng mỗi gia đình ở đây đã bước đầu có tích lũy căn bản nhờ tiếp cận, áp dụng nhiều hướng làm ăn mới, đa dạng, trên cơ sở được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn. Và xa hơn, bền vững hơn là họ luôn nhận được sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng sâu, vùng xa và biên giới. Từ nguồn lực đó, chắc chắn sẽ biến vùng biên giới này trở thành vùng quê trù phú, giàu mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()