Mở hướng đi mới cho vùng đặc sản
LSO-Na dai Chi Lăng, thứ đặc sản Xứ Lạng từ lâu đã nức tiếng cả nước. Với diện tích trên 1.200 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt hơn 7.000 tấn, na mang lại thu nhập trên hai trăm tỷ đồng mỗi năm cho nhân dân Chi Lăng. Giá trị ấy vẫn có thể cao hơn nữa nếu như na được bảo quản đưa vào siêu thị hay xuất khẩu.
Nông dân Chi Lăng thụ phấn cho na trong vùng sản xuất VietGap |
MƯỜI HÉC TA TIÊU CHUẨN VIETGAP
Vừa tỷ mẩn “chấm” (thụ phấn) xong cho vườn na, chưa ráo mồ hôi, chị Đỗ Thị Tuyến (thôn Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng) lại tất tả nhổ cỏ, dọn vườn… Mọi công việc đều được cẩn thận ghi chép vào nhật ký đồng ruộng. Chị Tuyến cười tươi: sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap phải như thế chú ạ! Mọi thứ từ bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, chấm hoa, dọn vườn… đều phải theo quy trình và tất cả các công đoạn ấy đều được đưa vào nhật ký. Khi quả na đưa ra thị trường, tất cả đều có mã số riêng. Dựa vào các mã số ấy, người ta có thể truy xuất nguồn gốc xem quả na ấy ở vườn nào, do ai trồng và quy trình chăm sóc ra sao.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản) cho biết: đầu năm 2014, đơn vị đã triển khai mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Mô hình thí điểm có 28 hộ gia đình tham gia với diện tích hơn 10 ha. Các hộ tham gia được tổ chức thành nhóm và bầu ra nhóm trưởng, nhóm phó để tổ chức thực hiện. Các hộ nông dân ở đây đều đã quá quen và thành thạo kỹ thuật trong sản xuất na, tuy nhiên sản xuất VietGap yêu cầu phải theo tuần quy trình nhất định và giữ vệ sinh vườn, đồi.
Kết quả chỉ sau một năm triển khai thực hiện, qua kiểm định, Trung tâm Chất lượng nông lâm sản vùng I (Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản) đã chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho nhóm sản xuất với diện tích 10,01 ha. Đây là diện tích đầu tiên trong vùng na đặc sản Xứ Lạng được công nhận theo tiêu chuẩn này.
TRĂN TRỞ CỦA NHÀ NÔNG
Ông Hứa Văn Đèn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chi Lăng, trưởng nhóm sản xuất na VietGap tâm sự: được chứng nhận, chúng tôi mừng lắm, nhưng cũng lắm suy tư. Suy tư bởi sản xuất VietGap rồi bước tiếp theo sẽ làm gì, làm thế nào để mô hình sản xuất này thực sự mang lại giá trị cao hơn.
Năm 2011, na Chi Lăng đã có nhãn hiệu được chứng nhận bảo hộ và ngay sau đó lọt vào tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Hiện toàn huyện Chi Lăng có trên 1.200 ha na, sản lượng hàng năm khoảng 7.000 tấn. |
Vụ na năm 2014, sau khi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, na của mô hình vẫn phải mang ra ven Quốc lộ 1A bán, không khách hàng nào biết đó là na VietGap và giá cả cũng không khác gì với các loại na khác trong vùng. VietGAP (cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.
Đó là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.
Theo quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tỉnh Lạng Sơn, sản phẩm na Chi Lăng, định hướng có thể xuất sang các thị trường khó tính như Nhật, Úc, Pháp… với lượng 4-5 nghìn tấn mỗi năm và mở rộng tiêu thụ trong nội địa. Muốn làm được điều đó, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn là điều kiện tiên quyết.
Ông Hứa Văn Đèn bộc bạch: chúng tôi cũng đã có ý định thành lập hợp tác xã sản xuất na VietGap, phân công thành viên đi tìm hiểu thị trường và mời gọi doanh nghiệp đặt hàng sản xuất, nhưng tất cả vẫn chỉ là dự định. Khó, bởi xưa nay họ chỉ quen với đồng ruộng chứ chưa thạo thị trường. Những bước đi đầu tiên này, nhà nông rất cần có sự tư vấn, hướng dẫn của các đơn vị hữu quan, từ hình thành tổ chức sản xuất cho đến quảng bá, xúc tiến thị trường… Có như vậy na VietGap mới thực sự mang lại sự khác biệt.
Sau khi gia nhập WTO, nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài chưa được như kỳ vọng. Một phần nguyên nhân là hàng hóa của chúng ta vấp phải các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa rất khắt khe của các nước nhập khẩu. Hiện nay, thị trường xuất nhập khẩu nông sản-thủy sản-thực phẩm trên thế giới đang được kiểm soát bởi những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2006, ASEAN đã công bố bản quy trình GAP (Good Agricultural Practices: Thực hành nông nghiệp tốt) chung cho các nước thành viên. Và ngày 28/1/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiêu chuẩn riêng của Việt Nam có tên viết tắt là VietGAP. |
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()