Mở hướng cho nông dân làm giàu
Nhờ trồng các loại hoa theo công nghệ mới, gia đình ông Nguyễn Bá Tăng, thôn 5, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) thu lãi mỗi năm 200 triệu đồng, góp phần ổn định đời sống và từng bước làm giàu. Hà Nam là một tỉnh nông nghiệp, hơn 80% số dân sống ở nông thôn, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu từ nghề nông ngày càng đông. Nhiều hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm.Sản xuất đa canhNằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, địa hình đất nông nghiệp ở Hà Nam có cao trình cao thấp nằm xen kẽ nhau tạo thành những vùng đất trũng rộng hơn 3.000 ha. Hằng năm, tỉnh phải chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng và cải tạo hệ thống thủy lợi. Nhưng trên thực tế, người nông dân vẫn phải đối mặt với thời tiết 'chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt', rất khó khăn trong việc tưới tiêu....
|
Sản xuất đa canh
Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, địa hình đất nông nghiệp ở Hà Nam có cao trình cao thấp nằm xen kẽ nhau tạo thành những vùng đất trũng rộng hơn 3.000 ha. Hằng năm, tỉnh phải chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng và cải tạo hệ thống thủy lợi. Nhưng trên thực tế, người nông dân vẫn phải đối mặt với thời tiết 'chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt', rất khó khăn trong việc tưới tiêu. Bởi vậy, trên những vùng đất trũng mỗi năm chỉ cấy được một, hai vụ lúa chưa ăn chắc. Giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một ha đất canh tác đạt rất thấp. Mặt khác, đất nông nghiệp được giao quyền sử dụng lâu dài cho hộ nông dân lại quá manh mún, khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Người nông dân lam lũ 'một nắng hai sương' vẫn phải oằn mình chống chọi với sự đói nghèo, lạc hậu. Nông dân không còn tha thiết với đồng ruộng. Nhiều người đã bỏ ruộng vườn ra thành phố kiếm việc làm mong tìm cơ hội đổi đời.
Trước thực tế đó, phải làm gì và làm như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân? Đây là câu hỏi lớn mà các thế hệ lãnh đạo của Hà Nam đặt ra. Và thế là từ giữa năm 2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam (khóa 16) đã ban hành Nghị quyết số 03 'Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn'. Nhiều chương trình dự án được triển khai. Cũng trong năm đó, dự án 'chuyển đổi vùng trũng sang sản xuất đa canh' được phê duyệt và triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Nam Dương Văn Bằng cho biết: Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy được nông dân đón nhận như 'một luồng gió mới' và nhanh chóng đi vào cuộc sống, mở hướng cho nông dân làm giàu bằng chính nghề nông…'. Ngay năm đầu đã có 17 xã trong tỉnh triển khai thực hiện với hơn 300 ha đất trũng, đất hoang hóa được chuyển sang sản xuất đa canh. Đến nay, sau 10 năm, 100% số xã, thị trấn trong tỉnh hưởng ứng với hơn 2.000 ha ruộng trũng được chuyển sang sản xuất đa canh.
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Công Luyên, một điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân) chúng tôi thật sự nể phục ý chí vươn lên làm giàu của gia đình ông. Năm 2001, ông mạnh dạn dồn đổi toàn bộ ruộng đất của nhà mình vào gọn một vùng rộng hơn 1 ha ngoài bãi sông Hồng. Ông mua thêm 5.000 m2 của những hộ chung quanh không canh tác và nhận thầu hơn 2 ha đầm trũng của xã để làm trang trại. Ông lặn lội đi tham quan, học tập kinh nghiệm các tỉnh trong nam, ngoài bắc và dồn toàn bộ vốn liếng, vay bạn bè, ngân hàng để đầu tư xây dựng trang trại theo mô hình VACG (bờ trồng cây ăn quả ao nuôi cá thương phẩm và cá giống xây chuồng trại nuôi lợn siêu nạc sản xuất gạch đỏ). Mỗi năm gia đình ông xuất chuồng hơn 60 tấn lợn hơi, 500 con lợn giống siêu nạc, 15 tấn cá, xuất hơn 80 vạn viên gạch đỏ/năm. Trừ các khoản chi phí đầu tư mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng.
Từ chỗ độc canh cây lúa, cấy một vụ còn bấp bênh, hiệu quả thấp, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất đa canh theo mô hình VACR (vườn trồng cây ăn quả ao thả cá chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ruộng cấy lúa). Một số khác luân canh theo mô hình VAC Dịch vụ. Ở một số xã thuộc các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Kim Bảng các chủ trang trại đã lựa chọn phương thức luân canh: Cấy lúa chất lượng cao Nuôi con đặc sản (tôm càng xanh, ba ba, ếch…) trồng cây ăn quả. Hiệu quả kinh tế của việc chuyển dịch vùng trũng sang sản xuất đa canh cao gấp 10-15 lần so với trước khi chuyển đổi.
Phát triển cây trồng hàng hóa
Không có nhiều đất như các hộ sống ở nông thôn, ông Nguyễn Bá Tăng ở xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) lại chọn hướng làm ăn khá mới mẻ: Trồng hoa cây cảnh công nghệ cao. Tháng 2-2005, ông Tăng được tỉnh chọn làm điểm xây dựng mô hình nghiên cứu, ứng dụng sản xuất hoa công nghệ cao. Ông cho biết: 'Đây là nghề mới có nhiều khó khăn, tính rủi ro cao. Tuy rằng đã được dự án hỗ trợ một phần kinh phí, xong với tôi đây là sự thử thách lớn…'. Bằng nỗ lực và ý chí không cam chịu đói nghèo, ông đã mạnh dạn đầu tư lớn xây dựng khu sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích hơn 2.200 m2 nhà lưới có các hệ thống điều khiển ánh sáng, hệ thống lưới cản quang, màng che mưa, che nắng, lưới chống côn trùng hại, hệ thống phun mù, nhỏ giọt tự động… Các giống hoa quý như: Hồng, cúc, li li, loa kèn, cẩm chướng, đồng tiền, tiểu hồng môn, đại hồng môn… được đưa về trồng thành công. Trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Tăng thu lãi từ 230 đến 250 triệu đồng.
Từ cuối năm 2006, UBND tỉnh Hà Nam đã cho triển khai thực hiện đề án 'Phát triển cây trồng hàng hóa' với mục tiêu phát triển cây trồng hàng hóa với quy mô tập trung, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, đạt giá trị sản xuất chiếm 40% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt toàn tỉnh. Đây là một đề án có quy mô lớn, liên quan đến nhiều hộ nông dân trong tỉnh, trực tiếp tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy khi triển khai, tỉnh làm khá quyết liệt, chính quyền và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đều vào cuộc. Các cây trồng chính được chọn để xây dựng mô hình cây trồng hàng hóa gồm: Lúa chất lượng, cây đậu tương, cây dưa chuột xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều địa phương đã lựa chọn các loại cây hàng hóa như: Cây ngô hàng hóa, cây bí xanh, bí đỏ, khoai tây, khoai lang chất lượng, các loại rau, củ quả hàng hóa, trồng hoa, cây cảnh, chuối ngự…
Sau bốn năm thực hiện đề án phát triển cây trồng hàng hóa, toàn tỉnh đã xây dựng được 97 quy mô sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung tại các xã. Trong đó, có 54 quy mô cấy lúa chất lượng hàng hóa, 27 quy mô trồng đậu tương, 16 quy mô trồng dưa chuột xuất khẩu. Diện tích sản xuất lúa chất lượng hàng hóa toàn tỉnh đạt hơn 18.500 ha. Trồng lúa chất lượng nếu bảo đảm tốt các yếu tố kỹ thuật, thời vụ, chăm bón thì năng suất đạt khá cao. Qua khảo nghiệm thực tế bà con nông dân đều khẳng định: Trồng lúa chất lượng hàng hóa kỹ thuật canh tác, chi phí đầu tư sản xuất không cao hơn nhiều so với cấy một số loại lúa thường. Nhưng năng suất cao hơn, chất lượng gạo ngon và thơm hơn, dễ tiêu thụ sản phẩm, giá trị cao gấp hai, ba lần lúa thường. Ngoài cấy lúa chất lượng, toàn tỉnh trồng được hơn 13.000 ha cây đậu tương, hơn 800 ha cây dưa chuột xuất khẩu. Từ vụ đông năm 2010, một số địa phương trong tỉnh đã áp dụng mô hình sản xuất dưa chuột xuất khẩu an toàn theo hướng VietGAP. Đây là phương thức sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, giảm rủi ro đối với môi trường và con người, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, áp dụng phương thức trồng dưa chuột xuất khẩu an toàn vừa cho năng suất cao, chi phí thấp hơn (vì không phải dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật). Tại xóm 6, xã Văn Xá (huyện Kim Bảng), bà con nông dân trồng ba ha dưa chuột xuất khẩu an toàn, năng suất bình quân đạt 2.800kg/sào, thu hơn bốn triệu đồng/sào. Trồng cây dưa chuột xuất khẩu nhìn chung cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa thường. Mỗi ha dưa chuột xuất khẩu người nông dân thu lợi từ 70 đến 80 triệu đồng/năm.
Với ý chí làm giàu, được Đảng mở hướng, nông dân Hà Nam đã tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Họ đã biết phát huy lợi thế về đất đai, năng động, sáng tạo làm giàu bằng việc nâng cao hiệu suất sử dụng đất, tăng vòng quay của đất. Toàn tỉnh hiện có gần 70 nghìn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có gần 4.000 hộ đạt danh hiệu kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhiều hộ được đi dự hội nghị điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở Trung ương. Các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đều có thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ thu nhập từ 100 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()