Mở hướng bảo tồn từ các CLB đàn, hát dân ca
LSO-Những năm qua, thông qua hoạt động của Hội Bảo tồn dân ca tỉnh và các câu lạc bộ (CLB) đàn và hát dân ca (thuộc Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh) đã góp phần phát triển phong trào học đàn và hát dân ca, giúp nhiều người yêu dân ca được thỏa sức theo đuổi niềm đam mê của mình. Anh Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Mặc dù mới thành lập được gần 7 năm, nhưng hội đã có trên 700 hội viên yêu thích các làn điệu dân ca thuộc các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Sán Chí… sinh hoạt tại 50 CLB với nhiều độ tuổi khác nhau. Chủ yếu là các thành viên có năng khiếu về dân ca, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự trang trải phí sinh hoạt.
Một buổi hát sli của các thành viên Câu lạc bộ yêu dân ca xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc |
Nhiều địa phương có các CLB dân ca hoạt động mạnh như: Bắc Sơn, Tràng Định, Văn Quan, thành phố Lạng Sơn. Những nghệ nhân nòng cốt thường xuyên tham gia truyền dạy và sinh hoạt tại các CLB ở cơ sở đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú như: Lưu Thị Tần, Hà Mai Ven, Nông Thị Lìm, Vy Thị Liên, Mông Thị Sấm…
Việc thành lập các CLB tại cơ sở và duy trì hoạt động thường xuyên đã thu hút đông đảo người dân quan tâm, tham gia. Chính vì thế, thời gian qua đã có hàng trăm lớp đàn và hát dân ca được mở ra cùng hàng nghìn lượt học viên, với các nội dung chủ yếu về: hát then, hát sli sình làng, sli sloong hàu, hát lượn, quan lang, cò lẩu, phong slư… Hiện nay, việc học hát dân ca cổ truyền cũng từng bước được đưa vào các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh thông qua sự phối hợp giữa Hội Bảo tồn dân ca với Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo. Điển hình như những chương trình truyền dạy đàn và hát dân ca tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan; Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Cung Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên…
Đam mê với nghệ thuật dân ca truyền thống nên dù bận rộn việc đồng áng thế nào thì những người phụ nữ thuộc CLB yêu dân ca xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc đều duy trì sinh hoạt hằng ngày. Chị Lăng Thị Sóc, chủ nhiệm CLB chia sẻ: Dù mới đi vào hoạt động được hơn hai tháng nhưng ngày nào CLB cũng duy trì sinh hoạt vào buổi tối. Nhờ có sự truyền dạy nhiệt tình từ nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven mà chúng tôi không những được thỏa mãn niềm đam mê, mà còn được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Ngoài công việc truyền dạy và học hát dân ca, đàn tính, các thành viên thuộc các CLB còn thường xuyên tham gia giao lưu văn nghệ tại những ngày lễ, hội, tham gia các hội diễn từ cấp cơ sở đến khu vực, giành được nhiều giải thưởng và được đánh giá cao tại địa phương như: hội xuân Chợ Bãi – Văn Quan, hội xuân Tô Hiệu – Bình Gia, hội xuân Na Sầm – Văn Lãng, hội Quốc Khánh – Tràng Định, chợ tình Tân Thành – Cao Lộc… Giao lưu văn nghệ liên xã tại thị trấn Bắc Sơn, giao lưu với Hội Bảo tồn dân ca Cao Bằng; giao lưu các CLB đàn và hát dân ca trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, giao lưu hát sli với huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang…
Giữ gìn và phát huy những làn điệu dân ca thông qua các CLB là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực giúp bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc; góp phần phát triển nền văn hóa xứ Lạng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()