Đồng bằng sông Hồng được biết đến là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước, sau đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng chú trọng phát triển đáp ứng nhu cầu về số lượng, nhưng hiện nay, cùng với sự đòi hỏi về chất lượng của người tiêu dùng trong nước, nhiều địa phương đầu tư thâm canh, hình thành những vùng sản xuất tập trung với chất lượng cao, tạo ra những đổi thay lớn ở vựa lúa này.
Năng suất, sản lượng liên tục tăng
Từ bao đời nay, người dân đồng bằng sông Hồng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Tính đến năm 2009, toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng có 607.900 ha đất lúa, với khoảng 70% số dân làm nông nghiệp. Cây lúa có mặt ở hầu hết các nơi, nhưng tập trung nhiều nhất và đạt năng suất cao nhất là ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình.
Nam Định được biết đến là một trong những tỉnh chuyên lúa trọng điểm lương thực phía bắc, với diện tích đất lúa hiện tại lên tới 78 nghìn ha, năng suất bình quân đạt khoảng 125 tạ/ha/năm, sản lượng 930 nghìn tấn/năm. Tỉnh Thái Bình nổi tiếng là quê hương năm tấn, hiện diện tích đất lúa còn 86.120 ha, năng suất lúa trung bình từ 120 đến 125 tạ/ha/năm, tổng sản lượng lúa đạt ổn định trên một triệu tấn/năm. Tỉnh Hải Dương có 66.950 ha đất lúa, sản lượng đạt 800 nghìn tấn/ha/năm, với năng suất trung bình hơn 120 tạ/ha/năm. Với sản lượng ấy, hằng năm Nam Định dư thừa khoảng 300 nghìn tấn, Thái Bình khoảng 400 nghìn tấn và Hải Dương là gần 100 nghìn tấn.
Nhớ lại thời kỳ sau năm 1975, đất nước thống nhất và bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mục tiêu sản xuất nông nghiệp của hầu hết các tỉnh trong vùng là giải quyết vấn đề lương thực cho nhân dân. Vậy mà vẫn có thời kỳ miền bắc thiếu gạo, chúng ta phải chuyên chở gạo từ đồng bằng sông Cửu Long ra. Giờ đây, với sản lượng và năng suất đã đạt được, tất cả các tỉnh đồng bằng sông Hồng đều có thể bảo đảm ở mức tốt nhất nhu cầu về lương thực trong địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Ngoài ra còn tham gia ngày một nhiều hơn vào thị trường xuất khẩu gạo.
Để có được những thành quả đó, trước hết phải kể đến đồng đất phù sa màu mỡ của vùng đồng bằng sông Hồng là một lợi thế lớn cho phát triển cây lúa. Hơn nữa từ bao đời nay, người dân nơi đây vốn nổi tiếng với truyền thống thâm canh, tăng vụ. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất phải nhắc tới là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành ngày 5-4-1988. Và trước đó là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV, tháng 1-1981 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Nghị quyết 10 đã khẳng định tư tưởng “giải phóng sức sản xuất”, đồng thời nhấn mạnh “lợi ích người lao động”. Xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó đổi mới cơ bản cách thức quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã tạo động lực cho kinh tế tư nhân trong nông nghiệp hồi phục và phát triển năng động, bước đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa. Có thể nói Nghị quyết này là một điểm nhấn quan trọng, đột phá, tạo bước phát triển mới cho nông nghiệp và nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trở nên phổ biến. Nhiều giống lúa mới đã được đưa vào gieo cấy, bảo đảm năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn, khả năng chống chịu sâu bệnh cũng tốt hơn. Thêm nữa là hệ thống thủy lợi liên tục được đầu tư kiên cố, chất lượng trong hàng chục năm nay. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Thái Bình, Trần Xuân Định cho biết: Mặc dù diện tích đất trồng lúa của Thái Bình liên tục giảm trong những năm gần đây nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng do năng suất ổn định. Đó là nhờ việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ năm 2000, nhằm khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tập trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao
Trong những năm gần đây, nhiều vùng lúa chất lượng cao đã và đang tiếp tục được hình thành ở nhiều tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên… Theo các chuyên gia, với điều kiện đất đai, khí hậu, kinh nghiệm canh tác của người dân, những vùng đất này hoàn toàn có khả năng sản xuất lúa gạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Từ lâu nay, tỉnh Nam Định vẫn là vùng đất gạo ngon có tiếng. Bắt kịp nhu cầu của thị trường, hiện Nam Định đã có quy hoạch rõ ràng hai vùng sản xuất lúa: vùng sản xuất lúa giữ an ninh lương thực và vùng sản xuất lúa chất lượng cao, trong đó có lúa đặc sản. Để bảo đảm an ninh lương thực, tỉnh đưa vào gieo trồng những dòng lúa lai cho năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Lúa chất lượng cao, Nam Định tập trung vào trồng các loại: bắc thơm số 7, Nam Định 1, T10, trong đó có các loại gạo đặc sản như tám xoan, nếp bắc, nếp cái hoa vàng. Đặc biệt, thương hiệu gạo tám xoan Hải Hậu đã chính thức được công nhận từ năm 2006. Hiện ở địa phương còn hình thành một Hiệp hội tám xoan, chuyên sản xuất gạo tám đặc sản theo quy trình của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu (Nam Định) Lê Văn Định cho biết: “Với cách gieo trồng theo kỹ thuật truyền thống kết hợp hiện đại, gạo tám xoan do Hiệp hội sản xuất ra luôn được thị trường “săn lùng” với mức giá cao”. Hiện nay, Nam Định có hơn 150 ha sản xuất loại tám xoan đặc biệt này trong tổng số 600 ha trồng lúa đặc sản.
Với Thái Bình cũng vậy, việc chuyển sang gieo trồng các loại lúa chất lượng cao để tăng giá trị thu nhập cũng được mở rộng khắp các địa phương. Nếu năm 2000, diện tích lúa chất lượng của tỉnh mới đạt 11.488 ha thì đến năm 2009 con số này đã đạt đến gần 39 nghìn ha. Diện tích và năng suất lúa chất lượng tăng đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến nay Tiền Hải là huyện có diện tích lúa chất lượng cao nhất toàn tỉnh với hơn 40% diện tích, cho thu nhập cao hơn lúa thường từ 3,5 đến 4 triệu đồng/ha.
Đẩy mạnh sản xuất lúa hàng hóa
Cùng với mục tiêu tăng năng suất, sản lượng, sản xuất các loại lúa gạo đặc sản, chất lượng cao thì nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cũng đã có định hướng phát triển thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa, điển hình là: Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội. Hiện nay, Hải Dương đang thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó đặc biệt chú ý đến sản xuất lúa gạo. Tại nhiều huyện đã hình thành những vùng sản xuất lúa hàng hóa, như: Bình Giang, Gia Lộc. Huyện Gia Lộc đã chỉ đạo các địa phương tổ chức quy vùng tập trung sản xuất lúa, với quy mô mỗi vùng từ 20 ha trở lên, trong đó điển hình cho phương thức tập trung ở đây là vùng Ba đồng thuộc hai xã Quang Minh và Đồng Quang có diện tích 156 ha. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương Nguyễn Quang Đồng cho rằng: Trong phát triển sản xuất lúa gạo, Hải Dương đang chú trọng vào khâu dồn điền đổi thửa. Chính vì vậy, việc tạo ra các vùng sản xuất lúa hàng hóa chính là nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình đó. Và cũng chỉ có dồn điền đổi thửa, tạo ra các khu sản xuất lúa hàng hóa tập trung thì mới dễ dàng đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa máy móc vào đồng ruộng và tạo ra những bước nhảy vọt hơn nữa về năng suất sản lượng lúa gạo. Từ đó đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người trồng lúa.
Cũng là định hướng phát triển sản xuất lúa hàng hóa, tỉnh Thái Bình có những mô hình như ở xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư dưới hình thức quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Đến năm 2011, Nguyên Xá sẽ quy hoạch 50 ha lúa hàng hóa, liên kết với Công ty TNHH Cao Nông Phú của Đài Loan (Trung Quốc). Công ty này sẽ đầu tư công nghệ sản xuất, kỹ thuật trồng, chăm bón, sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Đây là một cách làm hay mà theo lời Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nguyên Xá Hoàng Xuân Sảng thì người dân rất háo hức tham gia vào mô hình sản xuất này vì nó vừa bảo đảm cho nông dân giữ đất lúa, vừa bảo đảm sản phẩm sản xuất ra có ngay đầu mối tiêu thụ. Hơn nữa, lại được bên đối tác bảo đảm mức thu nhập có lãi.
Đồng bằng sông Hồng vốn là cái nôi của nền văn minh lúa nước, đã hình thành từ hàng nghìn năm, được bồi tụ bởi phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình. Phát huy truyền thống và tận dụng hết những tiềm năng sẵn có, thời gian qua, tình hình sản xuất lúa gạo trong vùng đã có những bước phát triển vượt bậc. Không mang nặng tính chất sản xuất hàng hóa như vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Hồng chủ yếu là đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ, nhưng nó thật sự góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực của một vùng có số dân đông nhất cả nước, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia, từ đó góp phần vào ổn định tình hình chính trị, xã hội chung của đất nước.
Ý kiến ()