Mô hình "vòng đổi công"ở một huyện miền núi
Bí thư Huyện Đoàn Sơn Tây Đinh Xuân Bình (người ngoài cùng bên trái) giao lưu với thanh niên xã Sơn Mùa. Thực hiện mô hình tổ chức sản xuất sáng tạo và hiệu quả, nhiều đoàn viên, thanh niên ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã cùng tương trợ, giúp đỡ nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.Các cán bộ Huyện Đoàn Sơn Tây dẫn chúng tôi đến thăm trang trại trồng rừng của gia đình anh Đinh Văn Tuấn, người dân tộc Ca Dong, xã Sơn Mùa (Sơn Tây, Quảng Ngãi). Trang trại rộng hơn hai ha với những cây keo, cây quế xanh tốt, đang vào độ thu hoạch. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Văn Tuấn cho biết cơ duyên đến với nghề trồng rừng. Nhớ lại nhiều năm về trước, gia đình anh Tuấn cũng như nhiều hộ dân trong huyện, chỉ biết làm nương, làm rẫy; sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống quanh năm thiếu thốn. Gần ba năm trước, được Huyện Đoàn gợi ý tham gia trồng rừng, anh tiếp thu nhưng lại băn khoăn về nguồn vốn sản xuất: Cái ăn còn chưa đủ nói...
Bí thư Huyện Đoàn Sơn Tây Đinh Xuân Bình (người ngoài cùng bên trái) giao lưu với thanh niên xã Sơn Mùa. |
Các cán bộ Huyện Đoàn Sơn Tây dẫn chúng tôi đến thăm trang trại trồng rừng của gia đình anh Đinh Văn Tuấn, người dân tộc Ca Dong, xã Sơn Mùa (Sơn Tây, Quảng Ngãi). Trang trại rộng hơn hai ha với những cây keo, cây quế xanh tốt, đang vào độ thu hoạch. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Văn Tuấn cho biết cơ duyên đến với nghề trồng rừng. Nhớ lại nhiều năm về trước, gia đình anh Tuấn cũng như nhiều hộ dân trong huyện, chỉ biết làm nương, làm rẫy; sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống quanh năm thiếu thốn. Gần ba năm trước, được Huyện Đoàn gợi ý tham gia trồng rừng, anh tiếp thu nhưng lại băn khoăn về nguồn vốn sản xuất: Cái ăn còn chưa đủ nói chi đồng vốn duy trì dự án trong nhiều năm. Hiểu được trăn trở của anh Tuấn, Huyện Đoàn đã đứng ra giúp các thủ tục hỗ trợ vay vốn. Có vốn rồi, cán bộ khuyến nông huyện lại hướng dẫn cách làm, với những phương thức sản xuất áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Thấy khu rừng anh Tuấn ngày một tươi xanh, cây trồng đạt tỷ lệ sống cao, nhiều thanh niên khác trong huyện cũng mạnh dạn làm theo.
Trong quá trình các thanh niên lao động sản xuất, cán bộ Huyện Đoàn thường xuyên theo dõi, sâu sát và nhận thấy việc chăm bón cây không cần lao động thường xuyên. Bên cạnh đó, với những hộ thanh niên trồng rừng, do thời gian rảnh rỗi nhiều cho nên họ có thể làm được thêm nhiều công việc sản xuất khác. Vì vậy, Huyện Đoàn Sơn Tây có sáng kiến tổ chức mô hình sản xuất được đặt tên gọi “vòng đổi công”. Mô hình này được thực hiện như sau: Các thanh niên được Đoàn xã phân công theo từng tổ. Mỗi tổ có năm người và có điểm chung là cùng mong muốn tham gia hoạt động kinh tế trong lĩnh vực trồng rừng. Theo lịch sản xuất, các tổ viên sẽ thực hiện việc chăm sóc cây trồng cho một tổ viên trong tổ và được tính công. Công của tổ viên được tính 20 nghìn đồng/buổi, số tiền này người làm được lĩnh 10 nghìn đồng, trong đó đóng góp vào quỹ của Đoàn xã là ba nghìn đồng, dành phục vụ các hoạt động hỗ trợ tổ. 10 nghìn đồng còn lại, tổ viên có trang trại được chăm sóc khất nợ và trả lại bằng công khi đến lịch chăm sóc cây cho các tổ viên khác.
Hoạt động của tổ sản xuất đều đặn và ngày một nhuần nhuyễn. Sáng kiến đơn giản nhưng hiệu quả mang lại khiến ai cũng bất ngờ. Vì mô hình “vòng đổi công” không chỉ là câu chuyện giảm chi phí sản xuất mà còn ý nghĩa hơn khi mỗi đoàn viên, thanh niên gắn bó, chia sẻ giúp đỡ nhau, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong mỗi người. Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thành viên trong tổ mà anh Đinh Văn Tuấn – từ một người không biết chữ – đã có động lực, ý chí và quyết tâm nắm bắt, làm chủ kỹ thuật sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhiều thanh niên trong xã từ đói, nghèo đã trở thành cá nhân tiêu biểu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo của xã. Anh Đinh Văn Tuấn tính toán, đợt thu hoạch rừng trồng vào giữa năm 2013, trừ tất cả chi phí, gia đình anh sẽ thu lãi hơn 100 triệu đồng. Với số tiền đó, anh dự tính sửa lại nhà, mua chiếc xe máy để thuận tiện đi lại, đồng thời mở rộng sản xuất và đầu tư một ao nuôi cá nước ngọt với diện tích 100 m2.
Đến thăm tổ “vòng đổi công” của anh Đinh Văn Sơn, đúng vào lúc tổ đang có cuộc thảo luận về vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Những thanh niên này đang tính toán để xen canh cây đinh lăng trên các khu đất trồng rừng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ đang thiếu nguồn cung đinh lăng, nếu cây trồng phù hợp đất sản xuất nơi đây thì mỗi ha có thể thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/vụ. Kế hoạch đặt ra là cần thiết mang mẫu đất đi phân tích, nếu phù hợp trồng đinh lăng sẽ tiến hành mua giống và học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Những hoạt động hỗ trợ cho dự án này đã được Huyện Đoàn đồng ý về chủ trương, với nguồn tài trợ được trích ra từ kinh phí đóng góp của tổ do Huyện Đoàn quản lý. Ý tưởng mới ở giai đoạn tiền khả thi, song quan sát cuộc thảo luận sôi nổi, dân chủ, đầy trách nhiệm và nhiệt huyết, chúng tôi đã thấy một bầu không khí gắn bó, tương thân tương ái giữa các bạn trẻ…
Bí thư Huyện Đoàn Sơn Tây Đinh Xuân Bình cho biết, tuy mô hình tổ chức sản xuất “vòng đổi công” mới áp dụng hơn hai năm nhưng đã phát huy hiệu quả rõ nét. Đồng thời, giúp củng cố công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên của tổ chức Đoàn. Các hoạt động của Đoàn, hội khi được triển khai đến các tổ “vòng đổi công” rất thuận lợi, đạt hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, chất lượng sinh hoạt chi đoàn trên địa bàn dân cư cũng từng bước được nâng cao. Với ý thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của những thanh niên dân tộc thiểu số và sự sáng tạo trong hoạt động đồng hành cùng tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp của Đoàn thanh niên vùng cao nơi đây; hy vọng thời gian tới, Sơn Tây sẽ có thêm nhiều đổi thay tích cực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()