Mô hình VNEN: Sự chuẩn bị cho chương trình giáo dục mới
(LSO) – Chương trình giáo dục VNEN là mô hình học theo phương pháp mới mà học sinh giữ vai trò trung tâm. Mô hình được đánh giá theo 4 phẩm chất, 3 năng lực: tốt, đạt và cần cố gắng. Việc áp dụng mô hình này nhằm khơi dậy tính chủ động, kích thích sự sáng tạo của học sinh tiểu học trong từng môn học… đồng thời là bước chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, hướng đến giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chương trình, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Trong đó, phương pháp dạy học là một yếu tố quan trọng. Ở phương diện này, mô hình trường học mới (VNEN) chính là một bước chuyển tiếp quan trọng.
Học sinh Trường tiểu học Thái Bình, huyện Đình Lập học theo phương pháp VNEN
Qua tìm hiểu tại một số trường học, mô hình VNEN sử dụng phương pháp giảng dạy mới thay thế phương pháp dạy truyền thống, giúp học sinh tự tìm hiểu kiến thức, chủ động trong phương pháp xử lý tình huống. Mỗi bài học mô hình VNEN thiết kế 3 dạng hoạt động cơ bản, đó là: học sinh tự trải nghiệm, khám phá để hình thành kiến thức mới; hoạt động thực hành áp dụng kiến thức đã học vào bài tập và hoạt động ứng dụng học sinh hiểu, vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn.
Cô Nông Thuý Hiền, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định cho biết: Toàn huyện có 13 trường tiểu học và 9 trường có lớp tiểu học. Thời gian qua, tuỳ vào điều kiện thực tế, các trường đã chủ động triển khai mô hình trường học mới VNEN vào giảng dạy. Việc thực hiện mô hình này đã giúp giáo viên phát huy tính sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục; giúp giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy, khắc phục thói quen thầy đọc, trò chép, truyền đạt kiến thức một chiều. Đồng thời giao quyền tự quản cho học sinh, giúp học sinh tự tin hơn, tích cực, chủ động tiếp thu kiến thức; rèn luyện khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, kỹ năng hoạt động theo nhóm; biết hòa đồng, chia sẻ, hợp tác trong học tập và hoạt động; nhanh nhẹn, tự tin trong giao tiếp.
Cụ thể, khi tiếp cận với phương pháp giảng dạy này, học sinh được trang bị kỹ năng về tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc theo nhóm, tư duy chiến lược và định hướng mục tiêu. Trong mô hình VNEN, học sinh – chủ thể của hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa biết chứ không phải là thụ động tiếp thu những tri thức đã được sắp đặt sẵn. Bên cạnh đó, học sinh được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, được trực tiếp quan sát, làm thí nghiệm, thảo luận, giải quyết vấn đề đặt ra theo suy nghĩ của cá nhân, từ đó vừa nắm được kiến thức mới, kĩ năng mới vừa được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.
Em Nguyễn Phương Hà Vy, Trường Tiểu học Hoà Bình, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình chia sẻ: Trong giờ học, cô giáo thường hướng dẫn học sinh cách khai thác tài liệu, từ đó, chúng em phân công nhau tìm hiểu, tự khám phá kiến thức mới. Với chúng em, mỗi giờ học là một giờ thực hành, vừa được học vừa vui chơi, trải nghiệm, cùng nhau chia sẻ kiến thức, hiểu biết “học chương trình này, em hiểu rõ về các bài tập, kiến thức tại trường. Trên lớp, em và các bạn tự tin cùng nhau trao đổi các bài học khó”.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, toàn tỉnh có 147 trường tiểu học, trên 1.200 lớp và gần 30.000 học sinh được học theo Chương trình giáo dục mới VNEN. Trong bối cảnh ngành giáo dục và đào tạo đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, cùng với việc bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thì việc áp dụng những thành tố tích cực của mô hình VNEN sẽ góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đạt hiệu quả tốt nhất.
Ý kiến ()