Thứ 4, 25/12/2024 13:11 [(GMT +7)]
Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú ở Lạng Sơn sau hai năm thực hiện Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT
Thứ 6, 16/11/2012 | 09:37:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong hai năm qua, ngành giáo dục Lạng Sơn đã huy động nhiều nguồn lực, khắc phục khó khăn để xây dựng trường bán trú dân nuôi, nỗ lực giảm tình trạng học sinh bỏ học do không thể đến trường và về trong ngày, nhưng kết quả còn hạn chế. Đây chính là vấn đề đã làm các cấp lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục hết sức trăn trở.
Học sinh lớp bán trú dân nuôi Trường Công Sơn làm đất
trồng rau cải thiện bữa ăn hàng ngày – Ảnh: Thanh Sơn
Ngày 2/8/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Thực hiện chủ trương của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án thành lập trường PTDTBT tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015. Gần hai năm thực hiện, tỉnh đã thành lập được 33 trường PTDTBT tại 29 xã đặc biệt khó khăn (4 trường tiểu học, 21 trường THCS, 8 trường tiểu học và THCS, có trường quản lý cả cấp học mầm non như PTDTBT TH&THCS xã Công Sơn, huyện Cao Lộc). Năm 2011, Tỉnh đoàn Lạng Sơn phối hợp với ngành giáo dục, đã xây dựng 8 công trình trường PTDTBT. Năm 2012 đang xây dựng hoàn thiện 12 công trình. Số học sinh ở bán trú năm học 2012 – 2013 toàn tỉnh huy động được 1.786/4.710 em (chiếm 38% tổng số học sinh trường PTDTBT ra ở bán trú trong trường). Với mô hình này, các nhà trường phải tập trung làm tốt cả hai mục tiêu: nuôi và dạy học sinh. Hiện nay đã có 20/33 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên cùng học sinh trồng rau, chăn nuôi gà, lợn để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Ngành giáo dục chỉ đạo các nhà trường huy động nguồn lực từ giáo viên, học sinh và nhân dân xây dựng “Hũ gạo tình thương, hũ gạo phổ cập” nhằm hỗ trợ cho học sinh bán trú.
Mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt: giảm số học sinh bỏ học; giảm số lớp ghép tại các điểm trường tiểu học; tăng số học sinh đến ở bán trú; tăng khả năng giao tiếp ứng xử và sinh hoạt tập thể; củng cố bền vững kết quả phổ cập giáo dục… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đây là sự cố gắng rất lớn của ngành giáo dục và đào tạo Lạng Sơn.
Tuy nhiên việc xây dựng trường PTDTBT ở Lạng Sơn vẫn còn gặp khó khăn: các trường đều thiếu phòng học, phòng ở, giường ngủ, nhà bếp, nhà ăn, dụng cụ nấu ăn, thư viện, sân chơi, bãi tập. Số phòng ở đã có đều chật chội, xuống cấp, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, đặc biệt có 5 trường chưa có phòng ở bán trú. Nhu cầu ở của học sinh bán trú trên 4.700 em, nếu tính 8 em/phòng ở cần 588 phòng bán trú; cả tỉnh hiện có 122 phòng (trong đó 27 phòng tạm, 82 phòng cấp bốn đã xuống cấp), như vậy còn thiếu 466 phòng. Theo thống kê của các trường cho thấy, hiện còn khoảng 1.281 em đang ở các lều lán tạm bợ, ở trọ xung quanh trường; 6/33 trường chưa có giường ngủ, 17/33 trường chưa có nhà bếp, 27/33 trường chưa có nhà ăn, thiếu nguồn nước sạch, nhà vệ sinh,… Hiện chưa có định mức chế độ quản lý học sinh cũng như biên chế nhân viên nấu ăn cho loại hình trường bán trú. Vì vậy một số trường chưa tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh, chủ yếu là các em tự nấu nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn cháy nổ.
Đứng trước những khó khăn trên, quan điểm chỉ đạo của ngành là quyết tâm vượt lên khó khăn, tích cực đẩy mạnh thực hiện những giải pháp cụ thể để xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng các trường PTDTBT, trong đó tập trung vào việc tiếp tục rà soát, chuẩn bị điều kiện đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường PTDTBT; tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh sớm ban hành tiêu chí học sinh bán trú và phê duyệt địa bàn học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày để các nhà trường làm căn cứ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi trường PTDTBT theo đề án và xét duyệt chỉ tiêu học sinh bán trú hàng năm; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dạy học sinh bán trú cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường PTDTBT…
Có thể nói, chủ trương xây dựng mô hình trường PTDTBT của Bộ đã được ngành giáo dục Lạng Sơn tích cực thực hiện và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Đây mới là những bước đầu tiên, tạo nền móng, tạo đà cho sự phát triển các nhà trường PTDTBT. Sự quan tâm của các cấp chính quyền, của ngành giáo dục sẽ giúp các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có được một mái trường – mái nhà thứ hai đầm ấm, chân thành và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()