Mô hình trường học mới VNEN: Từng bước khẳng định tính bền vững
Tiếp cận đổi mới giáo dục
Điểm cốt lõi trong đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ-TƯ (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT” là đổi mới chương trình giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm… Xét về khía cạnh này, mô hình trường học mới VNEN đã đáp ứng tốt, vì đây là dự án về sư phạm với trọng tâm là đổi mới phương pháp giảng dạy, cách tổ chức lớp học và đánh giá học sinh theo xu hướng của một nền giáo dục hiện đại, phù hợp với đặc điểm giáo dục Việt Nam và mục tiêu phát triển. Trong các cuộc hội thảo, sơ kết thực hiện mô hình VNEN đối với các trường tiểu học đã thực hiện trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn khẳng định bước chuyển từ phương pháp dạy học mang nặng “tính truyền thống” là thầy đọc, trò chép, lĩnh hội kiến thức thụ động sang phương pháp dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm mang tính “cách mạng” đổi mới phương pháp giáo dục. Trong mô hình VNEN, vai trò vị trí của giáo viên và học sinh đã có sự thay đổi rõ nét, giáo viên có vai trò tổ chức cho học sinh hoạt động học tập để khám phá, chiếm lĩnh kiến thức mới, kỹ năng mới, giúp học sinh có phương pháp học tập và tư duy, phát triển sự năng động, sáng tạo, bồi dưỡng năng lực độc lập, kỹ năng hợp tác và thực hành vận dụng.
Lớp dạy mẫu khối 6 trong Hội thi về mô hình VNEN cấp THCS của ngành GD&ĐT
Đổi mới phương pháp đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện từ năm học 2014-2015 đã cùng với phương pháp dạy học mới làm nên sự đồng bộ và nhận được những phản hồi tích cực từ đội ngũ giáo viên, học sinh cũng như từ phụ huynh học sinh.
Khẳng định và nhân rộng
Học kỳ I năm học 2015-2016, ngành GD&ĐT Lạng Sơn tiếp tục duy trì 81 trường thụ hưởng và 71 trường nhân rộng của cấp tiểu học, chiếm tỷ lệ 61,3% số trường tiểu học trong toàn tỉnh. Song song với công tác tập huấn đội ngũ giáo viên, ngành tiếp tục tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân, các bậc phụ huynh về chủ trương, mục đích và lợi ích của mô hình. Cùng với đó, ngành áp dụng VNEN vào cấp THCS mà bắt đầu từ lớp 6 với 59 trường, 85 lớp và 2.174 học sinh. Vừa tổ chức tập huấn, hội thảo cấp tỉnh, cấp huyện và trường, các trường đã thực hiện tốt công tác truyền thông, tạo thuận lợi để mô hình này đạt kết quả ngay từ lớp 6. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn như phòng học có diện tích nhỏ, thiếu máy tính để dạy môn tin học, học sinh còn nhút nhát trong giao tiếp, hoạt động nhóm… song do lựa chọn những lớp 6 đã thực hiện mô hình VNEN từ những lớp cấp tiểu học, nên đã có sự thuận lợi nhất định như học sinh đã quen với mô hình này, có ý thức tự giác học tập và tổ chức hoạt động. Vì vậy, sau một học kỳ, kết quả đạt được là khả quan. Cô Đinh Thị Uyên, Trưởng phòng GD&DT Tràng Định nói rằng: ngành đã triển khai tại 7 trường THCS, trong đó có trường vùng cao là THCS xã Đào Viên; qua đánh giá học kỳ I, hầu hết học sinh đạt yêu cầu về chuẩn các mặt. Các trường ở khu vực thành phố, thị trấn và các xã vùng ngoài, việc thực hiện mô hình có nhiều thuận lợi hơn. Số liệu sơ kết học kỳ I cho thấy trong 2.174 học sinh, có 1.883 em ( tỷ lệ 86,6%) được đánh giá đạt yêu cầu về hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục THCS theo từng môn và hoạt động giáo dục. Có 87% học sinh được đánh giá về mức độ hình thành và phát triển năng lực, có 94,7% học sinh được đánh giá về sự hình thành và phát triển phẩm chất. Đồng chí Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: sẽ tiếp tục có sự giúp đỡ về chuyên môn cho đội ngũ giáo viên để đạt được kết quả tốt đối với các lớp 6 VNEN, tạo đà cho việc áp dụng ở các lớp cao hơn trong những năm học tới.
Theo Bộ GD&ĐT, cuối năm 2016, dự án VNEN sẽ kết thúc, tức là các nhà trường sẽ không còn nhận được kinh phí tài trợ cho hoạt động thường xuyên và định kỳ. Song với những gì mà chúng ta đã đạt được, mô hình VNEN vẫn tiếp tục và được nhân rộng hơn bởi tính ưu việt của nó.
Ý kiến ()